Căn hộ thứ cấp TP.HCM bắt đầu hạ giá, cắt lãi; Khách nội địa “đánh thức” phân khúc khách sạn 4 – 5 sao tỉnh giấc ngủ đông… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Căn hộ thứ cấp TP.HCM bắt đầu hạ giá, cắt lãi
Đã có hiện tượng các NĐT cắt lãi, bán dưới giá lợi nhuận kì vọng để kích cầu giao dịch. Tuy nhiên, số lượng NĐT giảm giá nhẹ để ra hàng chưa phải là số đông ở thời điểm này.
Ghi nhận cho thấy, giá các căn hộ do NĐT cá nhân bán ra ở thời điểm này nếu so với trước Tết có hiện tượng chững giá hoặc giảm nhẹ. Giá trung bình ghi nhận thấp hơn lúc chưa có dịch rơi vào khoảng 7-10%, tối đa là 15%.
Chẳng hạn, theo một NĐT sở hữu căn hộ tại đường Võ Chí Công, Q.9, TP.HCM, nếu trước dịch căn 2 phòng ngủ bán chênh so với giá mua vào là 50 triệu đồng, còn thời điểm này nếu ai mua với giá chênh khoảng 30-40 triệu đồng là bán ra.
Ảnh minh họa
Hay, một dự án căn hộ tại đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, TP.HCM, theo tìm hiểu, căn 2 phòng ngủ trước thời điểm Tết NĐT gửi môi giới bán lại với giá 2.8 tỉ đồng/căn, chênh khoảng 300 triệu đồng so với thời điểm mua vào. Nhưng đến tháng 2/2020 NĐT này chấp nhận thu về với giá 2.730 tỉ, tức giảm khoảng 70 triệu đồng tiền lãi so với kì vọng trước đó để nhanh ra được hàng. Theo môi giới bán căn hộ này, do cần tiền để giải quyết công việc nên NĐT mới chấp nhận hạ giá để thu tiền về chứ thực tế cũng chưa muốn bán dưới kì vọng lãi.
Người nông dân, mảnh ruộng hoang và câu chuyện bất động sản nông nghiệp
Tạo điều kiện cho phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp là cách tốt nhất để giải cứu những mảnh ruộng hoang, khai thác tối đa giá trị đất đai. Từ người nông dân, đến doanh nghiệp hay Nhà nước đều có lợi.
Tuy nhiên quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp dù là xu hướng tất yếu cho quá trình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều rào cản.
Thứ nhất, quy định của Luật Đất đai hiện hành chưa điều chỉnh các quan hệ đất đai phù hợp với điều kiện thực tiễn nên chưa hỗ trợ tốt cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai và phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp.
Cụ thể Luật chỉ cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp đối với các hộ gia đình, cá nhân trong cùng một xã, phường, thị trấn; Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, trừ trường hợp được phép thay đổi mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo dự án đầu tư.
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp ổn định không được phép cho thuê đất nông nghiệp cho doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài hoặc doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối (trên 51%).
Vì vậy, doanh nghiệp muốn tập trung đất đai để thực hiện dự án nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi phải thỏa thuận với nhiều hộ dân trong điều kiện đất đai thì manh mún (30 – 40 hộ gia đình mới có 1ha) và không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất.
Khách nội địa “đánh thức” phân khúc khách sạn 4 – 5 sao tỉnh giấc ngủ đông
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc vào cuối tháng 1, từ Hàn Quốc vào đầu tháng 3. Đến cuối tháng 3, tạm ngưng tất cả các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh của người nước ngoài.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, với các biện pháp giới hạn di chuyển, giãn cách xã hội và quan ngại chung của du khách, Việt Nam chỉ tiếp đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong quý I/2020, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, và lượt khách du lịch nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhiều sự kiện du lịch quan trọng như Hanoi Formula 1 Grand Prix đã bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 – tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9 – 7,7 tỷ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn đã phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, sa thải nhân viên, đến việc tạm thời đóng cửa khách sạn khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu.
Bất chấp dịch Covid-19, giá nhà ở trong quý I/2020 vẫn tăng
Theo Báo cáo quý I/2020 vừa được Bộ Xây dựng công bố, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực như: Sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, du lịch… Tại Việt Nam, tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể là tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ. Tại một số dự án đang triển khai xây dựng hầu như chưa khởi động lại hoặc phải tạm dừng hoạt động, gần như toàn bộ công nhân, lao động phải tạm nghỉ.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, có khoảng 80% số lượng sàn giao dịch bất động sản đã phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp. Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.
Doanh nghiệp khổ vì quy chuẩn trong quản lý đầu tư xây dựng
Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng phải áp rất nhiều quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Cụ thể như quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho một lĩnh vực quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế, thi công, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình; quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn cháy nổ, an toàn xây dựng, an toàn nhiệt, an toàn điện, an toàn sinh mạng và sức khỏe con người; quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải… “Tuy nhiên, rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp với thực tế, vì đã sử dụng trong một thời gian dài. Nhiều quy chuẩn được thực hiện theo chu kỳ 5 năm đã gây ra khó khăn cho DN trong quá trình triển khai xây dựng dự án” – ông Dũng cho hay.
Trên cơ sở rà soát, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thống nhất đề xuất danh mục bộ quy chuẩn kỹ thuật xây dựng mới theo hướng tinh gọn và tích hợp, bổ sung các nội dung cần thiết. Các bộ, ngành đã họp bàn và thống nhất sẽ rút gọn 29 quy chuẩn xây dựng hiện hành xuống còn khoảng 13 quy chuẩn. Dự kiến bộ quy chuẩn mới này sẽ được biên soạn từ nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, quá trình vận động, phát triển của xã hội là liên tục khiến cho các văn bản luật luôn đi sau sự phát triển; trong khi việc soạn thảo, sửa đổi các quy định phải cần thời gian. Vấn đề này cũng có thể hiểu được nhưng việc áp dụng các quy định một cách cứng nhắc đã gây ra những cản trở không nhỏ cho quá trình phát triển. “Hiện nay, nhiều cơ quan quản lý lại coi các quy chuẩn, tiêu chuẩn là thước đo trong quá trình thẩm định, đã tạo ra nhiều bất cập” – ông Điệp nhìn nhận.
Hà Linh (tổng hợp)