Khi thế giới nhìn về phía trước để bước vào năm 2021, thật đáng để chúng ta nhìn lại cách năm 2020 đã thay đổi ngành bất động sản và các xu hướng sẽ duy trì phát triển hoặc biến đổi để phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Đối với doanh nghiệp bất động sản nhà ở, mục tiêu năm 2021 là tạo ra sản phẩm, vì nếu không có sản phẩm thì sẽ không có nguồn thu. Đối với bất động sản thương mại, văn phòng, các doanh nghiệp cần cân đối lại khách hàng mục tiêu, cân đối doanh thu và chi phí, vì những văn phòng do giá cả mà bị bỏ trống thì ta nên cân đối lại nguồn thu dựa trên ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo có thể tồn tại qua những giai đoạn khó khăn.
Nhiều kỳ vọng mới đã đặt ra vào năm 2021, khi chứng kiến thị trường có sự phục hồi vào thời điểm cuối năm 2020, nhưng các chuyên gia cho rằng, năm nay, lĩnh vực BĐS vẫn phải đối diện với khó khăn, bởi những thay đổi về pháp lý vẫn chưa “lấp đầy” được khoảng trống của thị trường.
Mặc dù cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai, nhưng thực tế những sửa đổi này chưa giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng liên quan đến các luật có sự chi phối đến BĐS; cùng với đó, BĐS du lịch kiểu mới như condotel, shophouse… gặp rối ở giấy chứng nhận sử dụng đất và thời gian sử hữu chỉ 50 năm, khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta đã làm nền kinh tế chịu nhiều tác động nghiêm trọng, thị trường bất động sản trong nước cũng không là ngoại lệ. Những thách thức đặt ra bởi đại dịch COVID-19 cũng như kinh tế tăng trưởng chậm lại làm nhu cầu suy giảm, nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có dự án mới hoặc không triển khai được dự án do vướng thủ tục cấp phép…
Đại dịch Covid-19 đã làm lung lay hầu hết mọi doanh nghiệp và bất động sản có lẽ chính là ngành có nhiều thay đổi lớn nhất. Thiệt hại từ các tòa nhà văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm im ắng trong thời gian hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đã trở thành đề tài của các cuộc trò chuyện kinh doanh vượt xa lĩnh vực bất động sản thương mại.
Trong khi đó, các tỉnh, thành phố, đô thị lớn, tập trung như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như: Cần Thơ, Long An, Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được ổn định thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết năm 2020, số lượng căn hộ đưa ra thị trường còn tồn kho, chưa có giao dịch ước tính gần 9.000 căn.
Dự báo về năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020.
Tại TP HCM vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực TP Thủ Đức. Về cuối năm 2021 có thể nguồn cung tăng mạnh, một số nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường, giá có thể sẽ chững lại nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn.
Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP HCM sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Dự báo tăng khoảng 5%-10% so với năm 2020. Tại các tỉnh, thành khác cơ bản đều tăng giá bất động sản ở mức 5%-7% so với năm 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương…
Nguồn cung hạn chế hơn giai đoạn trước do có nhiều dự án phải rà soát lại theo quy định của pháp luật, điều kiện pháp lý… khiến tiến độ chậm.
Nhiều lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 khiến ước mơ tìm được chỗ ở của nhiều người lao động càng trở nên khó khăn.