Bất động sản vẫn nằm trong nhóm một số ngành tăng trưởng khá. Theo Tổng cục Thuế, thị trường bất động sản lại có được đà tăng trưởng từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng,…
Trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao. Theo đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh, tăng 44,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Giới chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo tính an toàn và lợi nhuận. Lợi nhuận từ bất động sản rất cao, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này được thành lập. Nếu như so với việc bỏ tiền đầu tư mở quán cà phê, nhà hàng rất vất vả hay chơi chứng khoán thì cần có chút am hiểu về kiến thức về thị trường thì với bất động sản thì khách hàng chỉ cần bỏ tiền mua một mảnh đất rồi để đó vài năm là có thể sinh lời. Đặc biệt, việc sinh lời từ bất động sản hấp dẫn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác.
Một nhà đầu tư có gần 20 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản nhận định, thị trường bất động sản chưa thể “nóng” ngay sau khi kết thúc dịch bệnh, nhưng khả năng phục hồi là rất cao. “Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát cộng với dòng vốn từ chứng khoán, vàng, tiết kiệm đổ về, bất động sản vẫn sẽ là kênh sôi động trong cuối năm nay”, vị này nhận định. Còn nếu đầu tư theo hướng để đấy hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn thì cũng không phải là giải pháp hợp lý. Hiện các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương đương khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ xây dựng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghịđịnh 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, đồng thời tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất…
Bộ Tài chính cần theo sát hơn nữa diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Trong báo cáo quý 2/2021, Bộ xây dựng đã đưa ra loạt giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản.
Cương Nguyễn