Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, công tác triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2021 không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý. Thông tin thoái vốn nhà nước thường tạo sóng cho các cổ phiếu, nhưng chậm thoái vốn, cổ phần hóa làm nhà đầu tư chờ đợi đã lâu…
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Đại diện của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: “Vì sao doanh nghiệp chậm thoái vốn thì phải tìm hiểu câu chuyện nội tại của mỗi doanh nghiệp. Thực tế việc triển khai thoái vốn không hề đơn giản mà phải trải qua rất nhiều quy trình từ hồ sơ thủ tục pháp lý đến định giá doanh nghiệp rồi tìm kiếm đối tác… Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất khó khăn nên việc triển khai này cũng bị ngưng trệ”. Mặt khác, theo vị này, “thời gian qua thị trường chứng khoán diễn biến thất thường, có giai đoạn lên rất cao, định giá doanh nghiệp để cổ phần hoá mà làm không tốt thì còn dễ mất tiền”(!).
“Quan trọng là các doanh nghiệp phải muốn thoái vốn, chứ họ không muốn thì thoái làm sao được?”, vị này nói thêm. Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng, điểm cốt lõi để khơi thông dòng vốn từ thoái vốn, cổ phần hoá là Bộ Tài chính phải sửa đổi một số quy định bất hợp lý phát sinh thời gian qua. Ví dụ như hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tiêu chí định giá giá trị văn hoá doanh nghiệp, giá trị lịch sử doanh nghiệp; quy trình bán cổ phần, thoái vốn, các khâu thủ tục còn “đánh đố” doanh nghiệp, định giá cổ phiếu quá cao so với thị trường, các ràng buộc “làm khó” nhà đầu tư ngoại…
Bộ ba cổ phiếu BVH (của Tập đoàn Bảo Việt), BMI (của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh) và NTP (của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) đã ghi nhận đà tăng tích cực sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu SCIC khẩn trương triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp này. Hiện SCIC đang sở hữu 3,26% vốn điều lệ của BVH, 50,7% vốn BMI và 37% vốn NTP. Công văn nêu rõ, SCIC phải nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước.
Từ mức giá đóng cửa 59.600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 18/10/2021, phiên ngay trước thời điểm công văn của Bộ Tài chính được gửi cho SCIC, cổ phiếu BVH đã đóng cửa tuần qua (29/10) ở mức 64.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 5.100 đồng/cổ phiếu. Cùng mốc thời gian, giá cổ phiếu NTP tăng từ 51.500 đồng/cổ phiếu lên 59.000 đồng/cổ phiếu, còn BMI từ 39.350 đồng/cổ phiếu lên 45.800 đồng/cổ phiếu. Đã thành quy luật, mỗi khi xuất hiện thông tin thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp nào đó, cổ phiếu của doanh nghiệp đó lại có sóng tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng doanh nghiệp sau khi về tay nhà đầu tư tư nhân sẽ có những thay đổi trong quản trị và chiến lược kinh doanh, tạo cơ hội định giá lại cổ phiếu ở mặt bằng cao hơn.
Tháng 5/2021, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong năm nay, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Sabeco, Tổng công ty Sông Đà, Vinatex, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tập đoàn Bảo Việt… Tuy nhiên, báo cáo mới nhất về thoái vốn, cổ phần hoá của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, chỉ có 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 366 tỷ đồng, chỉ đạt gần 1% kế hoạch.
Thực tế, thoái vốn và cổ phần hóa đã cung cấp nguồn hàng dồi dào cho thị trường chứng khoán trong nước trong suốt lịch sử phát triển 21 năm qua. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhà nước cải thiện về chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động và Nhà nước có thể thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần kiểm soát, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)