“Ngấm đòn” nợ xấu năm 2020 làm nhiều ngân hàng chạy đua xử lý nợ xấu, việc tăng tốc trích lập dự phòng năm 2021 khiến con số nợ xấu và trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng cải thiện ở mức đáng ngạc nhiên.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành thích ứng nhanh nhất với tình hình dịch bệnh. So với năm 2020, ngành ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng hơn trong năm 2021.
Một cuộc khảo sát mới được Ngân hàng Nhà nước tiến hành gần đây cho thấy, trái ngược với dự đoán về nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2022, khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN) hết hiệu lực, đa số tổ chức tín dụng được khảo sát đều nhận định nợ xấu toàn hệ thống sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý I/2022. Tất nhiên, xét theo tỷ lệ toàn hệ thống, nợ xấu năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020. Mặc dù vậy, không có cú sốc nào về nợ xấu xảy ra. Thậm chí, lợi nhuận tăng trưởng khả quan giúp nhiều ngân hàng tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Song ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu.
“Rủi ro tín dụng chỉ có thể xảy ra với các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của các ngân hàng đã trích lập dự phòng trước hoặc trích lập dự phòng đầy đủ cho dư nợ cơ cấu”, chuyên gia phân tích SSI đánh giá. Luật Xử lý nợ xấu có thể được ban hành trong năm 2022, khả năng gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN và tiếp tục hoãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn khá cao cũng khiến áp lực nợ xấu năm 2022 bớt căng thẳng.
Thực tế, tâm lý lo ngại về nợ xấu ngân hàng năm 2022 đã phản ánh khá rõ nét vào diễn biến cổ phiếu vua trên sàn chứng khoán nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, nỗi lo này đang được giải tỏa một phần khi kết quả kinh doanh quý IV/2021 được hé lộ với bức tranh khá sáng sủa về lợi nhuận, nợ xấu. Trong số các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2021, có thể nói, BIDV là trường hợp ấn tượng nhất về kiểm soát và xử lý nợ xấu. Suốt 5 năm qua, ngân hàng này luôn trong cảnh trích lập dự phòng rủi ro tăng cao hơn lợi nhuận, khiến nhiều cổ đông sốt ruột. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 1,76%, bao phủ nợ xấu mới đạt xấp xỉ 90%.
Tuần qua, một số ngân hàng TMCP bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Bản Việt, nợ xấu của ngân hàng này cuối năm 2021 là 2,5%, giảm đáng kể so với mức xấp xỉ 3% cuối năm 2020. Trong khi đó, tại TPBank, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 cũng chỉ còn 0,9%, so với mức 1,14% của năm trước đó.
Mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng, song tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank năm 2021 vẫn bằng năm trước đó. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng này cũng chỉ ở mức 0,34%, cho thấy chất lượng tín dụng được kiểm soát rất tốt và không tiềm ẩn rủi ro đáng kể nào cho năm 2022. Tương tự, VietinBank cũng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2021 lên 171%, thay vì mức 132% cuối năm 2020.
Tổng Hợp