Người mua nhà tại dự án đã nhiều lần đối thoại trực tiếp nhằm xử lý dứt điểm về vấn đề này, nhưng đại diện doanh nghiệp chỉ hứa suông. Quá bức xúc, những khách hàng này đành phải gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng của TP.HCM và cơ quan báo chí để phản ánh. Tuy nhiên, sau khi tới trụ sở của doanh nghiệp này để tìm hiểu thông tin thì mới vỡ lẽ, doanh nghiệp cũng là “nạn nhân”.
Cầm trên tay lá đơn của tập thể khách hàng là người mua nhà tại một dự án bất động sản ở quận 7 (TP.HCM) với nội dung “tố” chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán vừa thấy bất nhẫn khi nhiều người phải bỏ ra số tiền tiết kiệm cả đời để mua nhà mà đã lâu vẫn tay trắng, vừa phần nào thông cảm với chủ đầu tư. Theo các khách hàng, sau khi ký hợp đồng và thanh toán tiền mua nhà, chủ đầu tư phải tiến hành xây dựng vào thời điểm năm 2017, bàn giao nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vào năm 2018.
Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 6 năm trôi qua, hạ tầng công trình nhà ở riêng lẻ vẫn chưa thực hiện như cam kết hợp đồng, người dân vẫn chưa thể xây dựng trên đất của họ, chứ chưa nói đến việc hoàn công, nhận sổ hồng.
Người mua nhà tại dự án đã nhiều lần đối thoại trực tiếp nhằm xử lý dứt điểm về vấn đề này, nhưng đại diện doanh nghiệp chỉ hứa suông. Quá bức xúc, những khách hàng này đành phải gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng của TP.HCM và cơ quan báo chí để phản ánh. Tuy nhiên, sau khi tới trụ sở của doanh nghiệp này để tìm hiểu thông tin thì mới vỡ lẽ, doanh nghiệp cũng là “nạn nhân”. Bản thân doanh nghiệp cũng muốn thúc đẩy tiến độ dự án để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nhưng “lực bất tòng tâm”.
“Vậy nguyên do gì khiến dự án không thể triển khai theo tiến độ?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Lúc này, vị tổng giám đốc của doanh nghiệp có vẻ chần chừ, không muốn nói thẳng vào vấn đề, mà chỉ nói chung chung là “vì lý do khách quan và vướng mắc thủ tục pháp lý dự án”.
Sau một hồi trò chuyện và thuyết phục, vị này mới cho biết, nguyên nhân chính khiến dự án bị đình trệ kéo dài là do một số cơ quan chức năng của TP.HCM thoái thác trách nhiệm, không ai dám quyết định.
Cụ thể, khi Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các thủ tục để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất thì dừng lại, nguyên do bởi thời gian thực hiện dự án đã hết, yêu cầu chủ đầu tư phải làm thủ tục gia hạn thực hiện dự án. Thế nhưng, khi thực hiện thủ tục này, Sở Xây dựng lại yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trước (đóng tiền sử dụng đất).
Sau nhiều lần kiến nghị, cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chủ trì buổi họp giữa chủ đầu tư với các cơ quan chức năng có liên quan của Thành phố gồm Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 7 để tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Trong cuộc họp có nhiều ý kiến, nhưng tựu trung là các sở, ban, ngành vẫn cứ “đá bóng” trách nhiệm. Người thì nói là mới về nhận công tác nên chưa nắm được nội dung cụ thể, người lại bảo vấn đề này còn phải chờ ý kiến của bên này, bên kia. Cuối cùng, cuộc họp kết thúc mà không giải quyết được vấn đề gì.
“Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và tính tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan này lại bảo Sở Xây dựng kiến nghị Thành phố gia hạn thực hiện dự án thì mới tính tiền sử dụng đất được. Chính sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà dự án phải nằm bất động nhiều năm nay”, vị tổng giám đốc trên nói.
Sau khi ghi nhận thông tin của người dân và ý kiến của doanh nghiệp, Báo Đầu tư Chứng khoán liên tục có những bài viết phản ánh thực trạng và góp ý nhằm hoàn thiện chính sách, mục đích không nằm ngoài việc gỡ khó cho doanh nghiệp, cũng là để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Sau khi được đăng tải, bài viết nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình vì đây không phải là trường hợp cá biệt.
“Cần những bài viết thẳng thắn như thế này nhiều hơn nữa từ các cơ quan báo đài để các cơ quan có thẩm quyền có hướng gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân”, đại diện một chủ đầu tư hiện có một số dự án đang gặp vướng mắc pháp lý tại TP.HCM cho hay.
Thậm chí, một vị chuyên gia còn thẳng thắn nói rằng, khi các cán bộ, công chức, bao gồm cả các lãnh đạo quản lý ở các bộ, ngành, địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng hoặc né tránh… thì cũng là lúc quyền lợi của người mua và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước bị thất thu.
“Sở dĩ có tình trạng một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước ở một số cơ quan, ban ngành, địa phương ngại phê duyệt dự án là bởi ‘tai nạn’ trong quản lý rất dễ xảy ra khi hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản vẫn còn chồng chéo, bất nhất. Cần phải có giải pháp để việc xử lý hồ sơ, thủ tục dự án diễn ra thật nhanh, thật gọn vì đây là điều có lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm trong việc gỡ khó cho thị trường bất động sản và sau nhiều bài phản ánh, tín hiệu vui đã đến, khi những vướng mắc không chỉ của dự án kể trên mà nhiều dự án khác trên địa bàn đã được Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên mới đây, vị tổng giám đốc trên cho biết, lãnh đạo UBND TP.HCM đã quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan xử lý những vướng mắc tại dự án để khách hàng có thể xây dựng nhà ở. Mặc dù mọi việc đều phải giải quyết theo quy trình, nhưng sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và chính quyền Thành phố đang giúp doanh nghiệp vững tin hơn vào cơ chế, chính sách, người mua cũng dần lấy lại niềm tin với bất động sản.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)