Bảng xếp hạng Bancassurance xáo trộn mạnh, ai đang chiếm giữ vị trí quán quân?
Trên thị trường hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng đã tham gia vào kênh Bancassurance. Giá trị các thương vụ độc quyền giữa hãng bảo hiểm và ngân hàng ít khi được tiết lộ công khai, nhưng được biết con số hàng trăm triệu USD là không hiếm và thậm chí có cá biệt nhà băng đạt tới 1 tỷ USD.
Sự cạnh tranh gay gắt cũng thể hiện qua sự xáo trộn không ngừng trên bảng xếp hạng tổng doanh thu phí APE kênh bancassurance. VIB là ngân hàng giữ vị trí TOP 1 trong năm 2021 nhưng đến tháng 4/2022 thì ACB lên vị trí cao nhất. Và theo cập nhật mới nhất, đến cuối tháng 6/2022, MB đã vươn lên vị trí quán quân, một cú nhảy vọt ấn tượng khi năm 2021 chỉ xếp thứ 6 trên thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước tính đạt 66.429 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng, riêng thị trường Banca tăng trưởng 23%.
Trên thực tế, GDP đầu người của Việt Nam tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Và theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022, sẽ tăng lên 5.000 USD năm 2025 và đạt 12.000 USD vào năm 2045.
Với dân số gần đạt 100 triệu dân, thu nhập tăng mạnh và nhiều người chưa có bảo hiểm, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất lớn trong những năm tới. Hiện tỷ lệ thâm nhập còn thấp khi chỉ 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ tính đến năm 2021, thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%),…
Tiềm năng lớn như vậy, mảng bancassurance (liên kết giữa ngân hàng – bảo hiểm) đã nở rộ trong những năm gần đây và là một động lực tăng trưởng mới cho toàn ngành. Thông qua đó, công ty bảo hiểm có cơ hội mở rộng thị trường, khai thác tệp khách hàng chất lượng của các nhà băng.
Nhìn chung, mối liên kết giữa các công ty bảo hiểm và các nhà băng hiện nay theo hình thức ký kết hợp đồng độc quyền có thời hạn dài, thường là 10-15 năm. Qua đó, các công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình thông qua kênh phân phối của ngân hàng.
Một số mối liên kết nổi bật có thể kể đến như ACB – Sunlife, VietinBank – Manulife, Techcombank – Menulife, MSB – Prudential, VIB – Prudential, VPBank -AIA, Sacombank – Daiichi Life, Vietcombank – FWD,… Riêng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đi theo mô hình khá khác biệt. Nhà băng này vận hành một công ty bảo hiểm nhân thọ riêng là MB Ageas Life với tỷ lệ sở hữu là 61%. Công ty được thành lập dựa trên sự hợp tác với các đối tác bảo hiểm có tiếng trên quốc tế như Ageas từ Bỉ (sở hữu 29%) va Muang Thai Life Insurance của Thái Lan (10%).
Theo cập nhật mới nhất, bảng xếp hạng doanh số phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance/ Banca) có sự xáo trộn lớn. Đáng chú ý, Top 1 kênh Banca hiện nay lại có tỷ trọng đóng góp từ khách hàng tín dụng rất thấp, thay vào đó chủ yếu là khách hàng gửi tiết kiệm.
Tổng Hợp