Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân hiện đã ở mức 105,3%, tăng mạnh so với con số 97,9% vào cuối năm 2021. Bản thân ngân hàng cũng đang “đói” vốn khi 10 tháng tăng trưởng huy động chỉ bằng 1/3 tín dụng, chênh lệch số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm từ tháng 7/2022.
Trao đổi về vấn đề này, một số NHTM báo cáo, nhìn chung huy động vẫn tăng nhưng có hiện tượng mất lòng tin trong dân cư, người gửi tiền.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì cho rằng, nhiều đề xuất yêu cầu NHNN phải mở thêm trần room tín dụng để tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước thực trạng, tăng trưởng tín dụng đang gấp gần 3 lần huy động; dư nợ tín dụng đang cao hơn cả huy động khách hàng thì dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay thêm. Vốn cung ứng ra nền kinh tế càng khó khăn hơn trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn ở mức cao khi các thông tư về tái cơ cấu nợ của NHNN hết hiệu lực – sẽ là vấn đề căng thẳng của các NHTM trong năm nay và năm sau.
Trong một văn bản NHNN gửi tới các TCTD mới đây, đơn vị này cho biết, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng (chỉ tiêu định hướng là 14% toàn ngành). Vì vậy, các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hoà nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nhưng vẫn phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Với yêu cầu nêu trên của NHNN và thực tế huy động vốn của ngân hàng thời gian gần đây, có thể ngay cả các ngân hàng còn room tín dụng hoặc được cấp thêm room tín dụng cũng chưa chắc có thể mở rộng cấp vốn cho nền kinh tế.
Trong báo cáo cập nhật ngày 21/11, SSI Research nhấn mạnh rằng, trên thị trường 1, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dung vượt xa so với tăng trưởng tiền gửi. Điều này diễn ra ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở mức 3-4% so với đầu năm.
SSI cho rằng, tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại các doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn/vay vốn. Đồng thời VND mất giá (giảm 8,6% so với đầu năm so với USD) cũng khiến việc nắm giữ USD và các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, đặc biệt trong khi bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế, đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả. Một phần lượng tiền mặt bị đóng băng/quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các ngân hàng.
Đây có thể cũng là lý do tại sao thời gian qua, hệ thống ngân hàng phải lao vào cuộc chạy đua lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh kênh trái phiếu suy giảm, thị trường chứng khoán lao dốc, huy động vốn qua kênh tiết kiệm ngân hàng đang là cánh cửa mở duy nhất để các ngân hàng vừa đảm bảo duy trì hoạt động, vừa đáp ứng các chỉ số an toàn.
Việc tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng toàn hệ thống tăng cao trong 9 tháng qua có thể được giải thích phần lớn do chênh lệch quá lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động 10 tháng năm 2022. Đây cũng là lợi thế làm nên con số lợi nhuận khủng của nhiều ngân hàng khi chi phí lãi tăng thấp, đẩy thu nhập lãi thuần tăng cao.
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021.
Trong đó, có tới 16 thành viên có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng vượt hoặc bằng 100%.
VPBank là ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng cao nhất trong nhóm khảo sát là 145,1%. Tương tự, SeABank cũng đang sở hữu tỷ lệ này khá cao với 132,3%, tại Techcombank là 128,7%, tại VIB là 119,6%, HDBank là 118,6%,…
Lãi suất tại các NHTM bắt đầu tăng mạnh từ sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào ngày 23/9, sau đó là ngày 25/10. Chỉ trong vòng 2 tháng, lãi suất kỳ hạn 12 tháng đã được điều chỉnh tăng từ trung bình 6,5-7%/năm lên mức 9-10%/năm.
Không chỉ lãi suất trên thị trường 1 tăng mạnh, mà lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng liên tục duy trì ở mức cao. Lãi suất qua đêm có thời điểm lên tới 10%; hiện duy trì ở mức trung bình 6-7%.
Trong một cuộc họp của NHNN và các NHTM hồi đầu tháng 11 cho thấy, có những ngân hàng tỷ lệ LDR (Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) thị trường 1 là trên 100%, cá biệt có ngân hàng tới 118%, điều này gây lo ngại về thanh khoản của một số ngân hàng và hệ luỵ có thể là cả hệ thống.
Lưu ý là theo Thông tư 22 ban hành ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tất cả các ngân hàng đều phải đảm bảo tỷ lệ LDR không được vượt quá 85% (Tỷ lệ LDR theo Thông tư 22 không chỉ tính tổng tín dụng/tổng huy động khách hàng, mà còn dựa trên một vài chỉ tiêu tài chính khác).