Khối nợ trái phiếu của tập đoàn này đã lớn tới mức đáng ngại đối với nhiều cổ đông. Kết thúc quý 1/2022, quy mô tổng tài sản của CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG) lên tới 41.504,7 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cách đây 5 năm.
Với hàng loạt kế hoạch dễ dàng nhận ra các thành viên trong hệ sinh thái của Bamboo Capital phải liên tục vay nợ qua kênh trái phiếu để có vốn hoạt động.
Bamboo Capital (BCG), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, tính đến 30/6/2022 tổng nợ đi vay của BCG hơn 14.300 tỷ đồng, đa số là vay dài hạn. Trong đó dư nợ trái phiếu tính đến cuối kỳ hơn 6.751 tỷ đồng có lãi suất dao động từ 10%/năm đến 11,5%/năm. Nửa đầu năm, doanh nghiệp vay thêm gần 5.220 tỷ đồng đồng thời cũng trả nợ gốc vay khoảng 3.336 tỷ.
Mới đây, Bamboo Capital chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn. Theo đó, việc đổi tên thành Tập đoàn Bamboo Capital nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với đối tác và khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển công ty trong giai đoạn mới, thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Tính đến ngày 30/6/2022, Bamboo Capital có hơn 50 công ty thành viên và liên kết, trong các mảng kinh doanh, Bamboo Capital xác định 3 mũi nhọn chiến lược là năng lượng tái tạo (BCG Energy), bất động sản (BCG Land), dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BCG Financial và Bảo hiểm AAA).
Tập đoàn Bamboo Capital đang tích cực hoàn thiện các thủ tục cần thiết để IPO BCG Land và BCG Energy vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Năm 2022 dự kiến là năm bùng nổ doanh thu của BCG Land với khoảng 5.000 – 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.400 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào đóng góp từ hạch toán dự án khu nghỉ dưỡng Malibu Hội An và Hội An d’Or.
Trong khi đó với khoảng 600MW điện mặt trời đã vận hành thương mại, BCG Energy đang có nguồn thu ổn định, mục tiêu doanh thu của BCG Energy năm 2022 là 1.660 tỷ đồng, lợi nhuận 997 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông 2022 phê duyệt, Bamboo Capital sẽ phát hành hơn 266,7 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu được dự kiến là hơn 2.667 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bamboo Capital cũng dự kiến phát hành 250 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư công chúng theo hình thức bán đấu giá cổ phần. Giá khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày hội đồng quản trị công ty ra quyết định chào bán. Cuối tháng 8 vừa qua, Bamboo Capital đã phát hành xong 25 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2021 và 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho năm 2022.
Ngoài ra, một thành viên khác của Bamboo Capital là CTCP BCG Land (BCG Land) cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu BCLCH2124001 trị giá 2.500 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021. Lô trái phiếu này kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4 kỳ đầu tiên là 11%/năm. Tài sản đảm bảo là toàn bộ nguồn thu, quyền sử dụng đất, quyền và lợi ích phát sinh liên quan đến Dự án Kinh Dương Vương.
Tiếp đến ngày 20/7/2021, BCG Land tiếp tục phát hành lô trái phiếu BCLCH2124002 trị giá 200 tỷ đồng, với kỳ hạn 1 năm 1 ngày, lãi suất 11%/năm. Tài sản đảm bảo là Cổ phần sở hữu của cổ đông tại Bamboo Capital và phần vốn góp tại Công ty TNHH du lịch Sinh thái Cồn Bắp.
Tổ chức tư vấn và phát hành cho BCG Land là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Các tổ chức kiểm toán, tổ chức nhận đảm bảo tài sản, tổ chức tư vấn luật không được công bố. Tháng 4 đến tháng 5/2021, một thành viên khác của Bamboo Capital là BCG Energy lần lượt phát hành 2 lô trái phiếu mã EBGCCH2124002 và mã EBGCCH2124003 với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.
Cả hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 10%/năm. Tài sản đảm bảo của hai lô trái phiếu là toàn bộ gần 6,5 triệu cổ phần của các cổ đông tại CTCP Điện gió BCG Khai Long 1; Toàn bộ quyền, lợi ích phát sinh từ và liên quan đến Dự án Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau (Dự án Khai Long – Cà Mau) giai đoạn 1. Mục đích là để phát triển Dự án Khai Long – Cà Mau giai đoạn 1.
Ngày 21/9 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Vận tải (Tracodi, mã chứng khoán: TCD) (thành viên nhóm Bamboo Capital) đã thông qua nghị quyết dừng triển khai phương án phát hành lô trái phiếu với tổng giá trị huy động dự kiến là 990 tỷ đồng mà công ty công bố ngày 16/9 vừa qua.
Theo Tradico, nguyên nhân dừng phát hành là do phương án này chưa phù hợp với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Theo kế hoạch cũ, lô trái phiếu này được phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Tracodi. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn dự kiến của trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành. Lãi suất dự kiến đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, thanh toán 3 tháng/lần.
Tài sản đảm bào là toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông tại CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long cùng các quyền, lợi ích, cổ tức và/hoặc các khoản phân chia có liên quan; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền tài sản phát sinh từ và/hoặc liên quan đến dự án Bãi Cháy (Hạ Long) thuộc sở hữu của Sơn Long.
Trước đó, Tracodi cũng đã phát hành lô trái phiếu mã TCDH2124002 vào ngày 28/12/2021. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 28/12/2024. Tuy nhiên các thông tin khác như hình thức trái phiếu, lãi suất, mục đích, tổ chức phát hành,… của lô trái phiếu không được công bố.
Khối nợ khổng lồ
Tính đến 31/3/2022, Công ty CP Bamboo Capital (Hose: BCG) có khối nợ hơn 30.354 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với hồi đầu năm, cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư tiếp tục âm nặng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Bamboo Capital có tổng nguồn vốn hơn 41.505 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm và tăng hơn 12.000 tỷ so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, cơ cấu vốn doanh nghiệp này lại được hình thành từ nợ phải trả là 30.354 tỷ đồng chiếm 73,13 %, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 11.150 tỷ đồng tương đương với 26,87 %.
Kết thúc 3 tháng đầu năm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Bamboo Capital là 2,72 lần. Bamboo Capital lệ thuộc lớn vào vay nợ (nợ phải trả chiếm trên 73% tổng nguồn vốn). Những con số cho thấy cơ cấu vốn của Bamboo Capital đang mất cân đối, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đặc biệt, khối nợ tăng mạnh, đang là một vấn đề của Bamboo Capital. Kết thúc quý 1/2022, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tại Bamboo Capital lên tới 12.963 tỷ đồng, tăng 2.079 tỷ đồng, tương đương 19%; vay và nợ thuê tài chính ngắn 2.235 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2022, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 15.198 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả, chiếm 36,6% tổng nguồn vốn và cao gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu. Có thể thấy, Bamboo Capital dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Bamboo Capital là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Nếu như đầu năm 2022 dư nợ dài hạn tại VietinBank chỉ là 1.239 tỷ đồng thì tới thời điểm 31/3/2022 đã vọt lên 1.382 tỷ đồng; dư nợ vay ngắn hạn là 73 tỷ đồng.
Đứng sau VietinBank là Ngân hàng TMCP Tiên Phong với khoản vay khổng lồ 119 tỷ đồng vay ngắn hạn và vay dài hạn là 1.217 tỷ đồng. Đồng thời, Bamboo Capital cũng vay Ngân hàng TMCP Nam Á là 300 tỷ đồng vay ngắn hạn và 196 tỷ đồng dài hạn.
Nợ quá lớn nên Bamboo Capital phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay quý 1/2022 tại Công ty này đạt 311,7 tỷ đồng tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, dòng tiền huy động từ trái phiếu tại Bamboo Capital cũng rất lớn mục đích tăng đòn bẩy tài chính. Năm 2021, Bamboo Capital ghi nhận giá trị trái phiếu tăng từ 2.724 tỷ đồng lên 8.793 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2022, Bamboo Capital lại có thêm đợt phát hành trị giá 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Cụ thể, So với quý 4/2021 giảm hơn 300 tỷ, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 tăng 323 tỷ tương đương 14,72 % đạt mức 2.524 tỷ đồng. Tồn kho tập trung tại các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên tới 2.289 tỷ đồng, đến từ nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm.
Đồng thời, tài sản dở dang dài hạn còn ở dự án bất động sản (BĐS) chưa hoàn thành như King Crown Infinity 1.293 tỷ đồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ngoài ra còn đến từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang khác. Đứng đầu là dự án Điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) với 1.511 tỷ đồng, dự án Nhà máy điện mặt trời Kroong Pa 2 (Gia Lai) với 298 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/03/2022, thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước ở mức cao. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, lên tới 341.987 tỷ đồng; nếu như phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác ở quý 4/2021 ở vị trí thứ 2 (16,4 tỷ đồng), thì kết thúc quý 1/2022 chỉ còn ở mức 7.5 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng (28.6 tỷ đồng); thuế tài nguyên (4.8 tỷ đồng); thuế thu nhập cá nhân (2.9 tỷ đồng); thuế khác (3.7 tỷ đồng).
Kết thúc quý 1/2022, lãi trước thuế của Bamboo Capital đạt 659,3 tỷ đồng, tăng 229,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lãi tăng mạnh, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Capital lại âm nặng.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 1.730 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước âm 1.439 tỉ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền hoạt động đầu tư âm tới 2.542 tỷ đồng, âm thêm 2.075 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Bamboo Capital đã huy động dòng tiền tài chính là 4.110 tỷ đồng, chủ yếu là đi vay (4.028 tỷ đồng) để bù đắp lại khoản thâm hụt từ hoạt hoạt động kinh doanh chính và phục vụ thêm cho hoạt động đầu tư.
Tình trạng dòng tiền hoat động kinh doanh chính liên tục âm đã kéo dài tại BCG trong 4 quý gần đây. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính quý 1/2021 âm 1.439 tỷ đồng, quý 2/2021 âm 6.416 tỷ đồng, quý 3/2021 dương 845 tỷ đồng và quý 4/2021 âm 2.003 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Bamboo Capital đạt 41.505 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 41,7% với mức 17.294,5 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 58,3% với mức 24.210,2 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của BCG nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn.
Đó cũng là khoảng thời gian BCG ghi nhận những bước tăng trưởng thần tốc, từ việc mạnh tay rót vốn vào năng lượng tái tạo, bất động sản, đến những khoản đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực tài chính.
Năm ngoái, BCG đã mua lại 20% cổ phần CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC), hoàn tất thâu tóm chi phối công ty Bảo hiểm AAA từ IAG Group.
Cùng với công ty con CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HOSE: TCD), nhóm BCG đã mua vào 30 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Hay ở một thương vụ đáng chú ý khác, tập đoàn của ông Nguyễn Hồ Nam cũng đánh dấu sự hiện diện ở Eximbank khi có một “ghế” trong HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới của nhà băng này.
Kể từ khi rời Chứng khoán Sacombank để gây dựng BCG, ông Nguyễn Hồ Nam và các cộng sự có lẽ cũng khó có thể hình dung được những bước phát triển thần tốc của tập đoàn trong ít năm vừa qua.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, BCG càng đẩy mạnh hoạt động M&A, dòng tiền chi ra đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của tập đoàn này càng lớn. Nhưng trong bối cảnh dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm, BCG ngày càng phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính.
Tính đến ngày 30/6/2022, Bamboo Capital có hơn 50 công ty thành viên và liên kết. Trong đó, 3 thành viên trụ cột của hệ sinh thái Bamboo Caiptal là BCG Land, BCG Enery, Tracodi.
Tổng Hợp