Các hãng hàng không gồm Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietnam Airlines liên tục có nhu cầu tăng vốn trong thời gian qua. Dù cho tình hình dịch bệnh tình trạng kinh doanh lại bất ổn nhưng 3 ông lớn vẫn chạy đua tăng vốn bằng mọi cách.
Chính phủ đã có các giải pháp giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, thuế bảo vệ môi trường, giảm phí cất hạ cánh, chi phí điều hành bay, giãn hoãn thuế và các chi phí khác… Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất 0% cho các khoản vay ngắn hạn và có thanh khoản trong 12 tháng; các khoản vay gia hạn được hỗ trợ lãi suất 4 – 5%.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải sửa đổi thông tư cho phép kéo dài hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh; kiến nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, giải pháp khác về tín dụng để ngành hàng không hồi phục nhanh nhất.
Giải cứu “quý tử”
Năm 2020, Vietnam Airlines lỗ sau thuế gần 11.200 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày cuối năm khoảng 9.300 tỷ và do vậy không đáp ứng điều kiện mà luật đề ra. Năm 2021, Vietnam Airlines dự kiến tiếp tục lỗ hơn 14.500 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đặc cách cho Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu ngay cả khi năm trước thua lỗ và đang có lỗ lũy kế.
Từ năm 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã có kế hoạch phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng. Đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 vừa qua đã phê duyệt phương án phát hành 800 triệu cổ phiếu HVN ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Trước đây, trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch huy động vốn của Vietnam Airlines là quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, yêu cầu “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”.
Kế hoạch chào bán dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III và đưa vốn điều lệ của Vietnam Airlines lên mức 22.418 tỷ đồng, giành lại ngôi đầu từ tay Bamboo Airways. Cổ đông Nhà nước hiện nay đang nắm giữ 86,2% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên sẽ được quyền mua gần 690 triệu cổ phiếu phát hành thêm Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã được Chính phủ giao thực hiện toàn bộ quyền mua của Nhà nước tại Vietnam Airlines, tổng trị giá khoảng 6.900 tỷ đồng. Gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng chỉ đủ để Vietnam Airlines trả một phần nợ quá hạn. Khoản 8.000 tỷ đồng dự kiến thu từ phát hành cổ phiếu sẽ giúp hãng tăng cường hoạt động kinh doanh.
Từ cuối năm 2020, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tài chính cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) thông qua hai chính sách: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng đã cấp tín dụng ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. Thứ hai, Vietnam Airlines được phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động 8.000 tỷ đồng mặc dù kết quả kinh doanh năm liền trước là thua lỗ, tức là Vietnam Airlines không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định trong Điều 15 Luật Chứng khoán 2019.
Như vậy trong vài tháng tới, Vietnam Airlines sẽ nhận về đủ 12.000 tỷ đồng trong kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân đắng đo chạy vạy
Trong nửa đầu năm 2021, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đã bán toàn bộ gần 17,8 triệu cổ phiếu quỹ, thu về khoảng 2.350 tỷ đồng. Việc bán cổ phiếu quỹ này vừa làm tăng vốn điều lệ, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, lại giúp cho Vietjet có thêm nguồn tiền phục vụ kinh doanh.
Đại hội cổ đông thường niên sáng 29/6 của Vietjet đã thông qua ba kế hoạch tăng vốn khác bao gồm: Thứ nhất, phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên. Thứ hai, chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ, tương đương hơn 81 triệu cổ phiếu VJC không có quyền biểu quyết, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Sau khi hoàn tất hai phương án phát hành này, vốn điều lệ của Vietjet sẽ tăng từ 5.416 tỷ đồng hiện nay lên 6.328 tỷ đồng. Thứ ba, chào bán tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore, trái chủ có quyền chọn mua cổ phiếu VJC.
Nếu các chủ nợ quốc tế này muốn trở thành cổ đông, Vietjet sẽ cần phát hành thêm cổ phần và vốn điều lệ cũng sẽ tăng lên. Hiện chưa rõ giá thực hiện quyền mua cổ phiếu VJC là bao nhiêu. Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho biết đã có một số tổ chức đến từ Hàn Quốc và Hong Kong tỏ ý quan tâm tới việc rót vốn lâu dài vào hãng hàng không này, tuy nhiên chưa thể công bố danh tính cụ thể do các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận sơ bộ.
Diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 tại TP HCM khiến cho Vietjet Air phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh giảm manh so với mức đề ra ban đầu. Doanh thu hợp nhất dự kiến 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020, trong đó doanh thu vận tải hàng không 15.500 tỷ đồng, tăng 2%. Ban lãnh đạo Vietjet Air đặt mục tiêu nỗ lực “không lỗ” trong năm nay.
Bamboo Airways được Tập đoàn FLC thành lập vào tháng 5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do FLC sở hữu 100%. Trong giai đoạn 2018 – 2019, vốn điều lệ của Bamboo tăng lên các mốc 1.300, 2.200 và 4.050 tỷ đồng. Sang năm 2020, hay còn gọi là năm COVID thứ nhất, Bamboo nâng vốn lên 7.000 tỷ đồng. Tính theo giá trị tuyệt đối, đây là lần tăng vốn lớn nhất của Bamboo kể từ khi thành lập cho tới thời điểm đó.
Cả năm 2020, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trên 175 triệu USD, thu nhập tài chính hơn 201 triệu USD, lãi trước thuế 17,2 triệu USD (tương đương gần 400 tỷ đồng). Bước sang năm 2021, dịch COVID-19 không những không hạ nhiệt mà còn tiếp tục bùng phát. Dịch đợt 3 xuất hiện đúng vào đợt cao điểm Tết Tân Sửu khiến cho hoạt động của ngành hàng không nói chung và Bamboo Airways nói riêng càng thêm chật vật.
Ngày 5/2, Bamboo tăng vốn 50% lên 10.500 tỷ đồng. Đến ngày 13/4, tức hơn hai tháng sau, hãng bay mang thương hiệu cây tre này tiếp tục nâng vốn lên 12.500 tỷ. Cũng trong tháng 4, hãng thêm một lần nữa nâng vốn lên 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bamboo Airways là hãng vận tải hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, đứng trên cả những tên tuổi lâu đời hơn như Vietnam Airlines hay Vietjet, chỉ xếp sau đơn vị khai thác các sân bay là ACV.
Từ 700 tỷ đồng ban đầu, Tập đoàn FLC đã liên tục góp thêm vốn vào Bamboo Airways nhưng không theo kịp với tốc độ mở rộng của hãng hàng không này. Tại ngày 1/6 năm nay, FLC đang sở hữu hơn 414 triệu cổ phần, tương đương 25,9% vốn điều lệ Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết là chủ sở hữu lớn nhất khi nắm giữ 56,5%. Ông Quyết đồng thời là Chủ tịch HĐQT của cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Hai công ty khác trong “hệ sinh thái FLC” là FLC Holding và FLC Faros nắm giữ lần lượt 6,3% và 5,6% vốn.
Với diễn biến dịch bệnh kể từ đầu năm, 2021 ngành hàng không chịu ảnh hưởng còn nặng nề hơn so với 2020. Tại hai giai đoạn cao điểm là Tết Nguyên Đán và mùa Hè, Việt Nam đều hứng chịu các làn sóng dịch bệnh tái bùng phát. Trong khi đó, đường bay quốc tế tiếp tục đóng băng, nguồn thu của các hãng từ vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng nhưng việc tăng vốn của Doanh nghiệp hàng không vẫn diễn ra để đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Cương Nguyễn