Trên mạng xã hội bàn tán xôn xao về việc các cửa hàng của Bách hoá Xanh đồng loạt đăng biển “Vui lòng không quay phim chụp hình”.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, các cửa hàng Bách hoá Xanh hiện đã gỡ hoặc dùng giấy dán che đi phần biển báo cấm chụp hình. “Khi được mời lên làm việc, các cửa hàng cho biết cho biết lý do treo biển ‘cấm chụp hình’ là sợ khách hàng chụp so sánh giá”, ông Khánh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh đang rà soát lại các cửa hàng trên địa bàn để xử lý tình trạng trên. Liên quan vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, căn cứ vào quy định pháp luật, những trường hợp bị cấm quay phim, chụp hình gồm 2 nhóm gồm bí mật Nhà nước và bí mật đời tư.
Bí mật Nhà nước được quy định bởi Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018. Theo đó, cơ quan Nhà nước sẽ cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” để bảo vệ bí mật Nhà nước. Đối với bí mật đời tư, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
“Bách hóa Xanh là cửa hàng bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, không thuộc các khu vực cấm quay phim, chụp hình để bảo vệ bí mật Nhà nước như đã nêu trên”, luật sư Hùng nhận định. Bên cạnh đó, PV cũng nhận được nhiều thắc mắc từ bạn đọc về việc, nếu không phải trường hợp bảo vệ bí mật Nhà nước, vậy trường hợp như Bách Hoá Xanh có được cấm quay phim, chụp hình không? Theo luật sư Hùng, hiện nay, không có quy định cụ thể về vấn đề này nên sẽ dựa vào nguyên tắc chung. Cụ thể, công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm; doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, Bách hóa Xanh có thể quy định cấm quay phim, chụp hình. Nhưng nếu khách hàng quay phim, chụp hình sẽ không bị xử phạt theo quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước cũng như đời tư.
Bên cạnh đó, việc chuỗi cửa hàng này cấm khách hàng quay phim, chụp hình vì sợ bị so sánh giá là chưa thuyết phục và không có căn cứ. Bởi, việc cho chụp hình vừa thể hiện sự tôn trọng khách hàng, vừa minh bạch, công khai về hàng hoá, giá bán…
Ngày 2-8, những người có thẩm quyền của cơ quan này đã ra quyết định xử phạt đối với công ty và người đại diện theo pháp luật nói trên với mức phạt 4 triệu đồng cho hành vi “không niêm yết giá” và 1,6 triệu đồng về hành vi “kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) quá hạn sử dụng. Số thực phẩm hết hạn sử dụng bị tịch thu. Tổ chức bị phạt là Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (TP.HCM), với lĩnh vực hoạt động là bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh. Người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Nông Văn Dũng – tổng giám đốc. Trước đó, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện, lập biên bản đối với hai cửa hàng của Bách Hóa Xanh ở Vũng Tàu vì bán hàng nhưng không niêm yết giá và một cửa hàng bán hàng quá hạn sử dụng.
Một cán bộ chức năng tại TP. Vũng Tàu cho biết 18 cửa hàng Bách hoá Xanh trên địa bàn TP đều có biển với nội dung như trên. Thậm chí, đây là động thái chung của chuỗi trên toàn quốc chứ không phải riêng tại Vũng Tàu.
Cương Nguyễn