Bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá nguyên vật liệu tăng cao chưa tạo áp lực lớn lên việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021 nhưng chắc chắn, áp lực lạm phát trong năm tới sẽ đè nặng nền kinh tế.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, diễn biến tăng giá nguyên liệu trên thế giới có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến mặt bằng giá trong nước, nhất là đối với những mặt hàng có mức giá được tham chiếu từ giá thế giới hoặc chịu tác động từ giá nhập khẩu. “Đà tăng của giá xăng dầu cùng một số mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm có thể trở thành tác nhân đẩy lạm phát lên cao, đòi hỏi phải có các giải pháp khống chế”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 theo hướng thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các Bộ quản lý ngành lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Bộ Tài chính thông báo một số thông tin mới, trong đó, bộ này nhận định: dù giá gas, giá xăng dầu cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh nhưng căn cứ diễn biến CPI từ đầu năm đến nay, mức lạm phát năm 2021 sẽ thấp hơn 4%. Đây là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành. Nhận định trên của Bộ tài chính diễn ra trong bối cảnh trước đó, Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong 11 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất 5 năm qua. Mức tăng thấp của CPI từ đầu năm và giá cả hàng hóa, thực phẩm hạ nhiệt gần đây nhờ việc nối lại các chuỗi ứng ứng bị đứt gãy trong giai đoạn giãn cách.
Trong dự báo kinh tế mới nhất hôm 1/12, OECD dự kiến tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 5,6%, và sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Con số này ít thay đổi so với dự báo trước đó là 5,7% cho năm 2021, còn dự báo năm 2022 giữ nguyên. Với nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, các công ty đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau đại dịch. Điều này khiến lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, khi các điểm nghẽn xuất hiện trong chuỗi cung ứng. Giống như hầu hết nhà hoạch định chính sách, OECD nói rằng mức tăng lạm phát đột biến chỉ là tạm thời và giảm dần khi nhu cầu và sản xuất trở lại bình thường. “Tuy nhiên, rủi ro chính là lạm phát tiếp tục tăng bất ngờ, buộc các ngân hàng trung ương lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến”, OECD cho biết.
Chính sách lạm phát mục tiêu có nhiều lợi ích, đặc biệt là lợi ích trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nước khá ngần ngại chính thức tuyên bố theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu. Việc quá tập trung vào một mục tiêu lạm phát cụ thể làm cho chính sách tiền tệ kém linh hoạt và phải đánh đổi các mục tiêu khác như hỗ trợ tăng trưởng, giảm thất nghiệp… Hầu hết các nước đều đòi hỏi chính sách tiền tệ phải cân bằng giữa 3 mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, lạm phát thấp và việc làm đầy đủ. Tuy nhiên, các tác động của chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, trong khi thực tiễn nền kinh tế đầy bất định. Vì vậy, hầu hết các chính sách lạm phát mục tiêu đều dựa vào các dự báo về lạm phát. Nếu dự báo về nguy cơ lạm phát quá cao sẽ làm cho chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá mức, qua đó ảnh hưởng đến các mục tiêu khác của chính sách tiền tệ. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước có khả năng dự báo hạn chế.
Không như lý thuyết, chính sách lạm phát mục tiêu trên thực tế làm cho hoạt động của các ngân hàng trung ương trở nên kém minh bạch hơn. Ngân hàng trung ương thường viện dẫn lý do đảm bảo mục tiêu lạm phát mà lờ đi mục tiêu điều tiết lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc từ chối thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thiết khi nền kinh tế đối diện với các cú sốc. Thêm vào đó, chính sách lạm phát mục tiêu cũng làm cho quốc hội khó kiểm soát và đánh giá liệu ngân hàng trung ương đã làm hết trách nhiệm hay chưa trong việc tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho phát triển.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)