Đề cập trong báo cáo “Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng” về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Tại cuộc họp mới đây Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng phải thừa nhận, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước tới thời điểm chưa có động thái nào cho thấy sẽ sớm “đảo chiều” chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất giữa áp lực lạm phát.
Còn tại các ngân hàng, kết quả điều tra vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng ngay trong quý II/2022, mặc dù mức tăng này được các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ giao động từ 0,03-0,06 điểm % trong quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm % trong cả năm 2022.
Cùng với đó, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước.
Trong một báo cáo trước đó, các chuyên gia đến từ Chứng khoán BSC cũng đã chỉ ra rằng, lạm phát đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới đều ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng nhiều năm.
Chẳng hạn, Mỹ ghi nhận lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, Anh ghi nhận mức tăng cao trong 30 năm. Gần đây, nền kinh tế Thái Lan cũng ghi nhận mức lạm phát chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm do ảnh hưởng bởi giá dầu. Trong bối cảnh đó các quốc gia như Anh, Nga đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ kể từ quý I/2022 và sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến quý II/2023. Mỹ và Châu Âu vẫn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt kể từ cuối năm 2021 đến nay để đối phó với lạm phát.
Đối với các quốc gia ở ASEAN 6, ngoại trừ Singapore đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, khối ASEAN 5 còn lại được cho vẫn duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, tuy nhiên các NHTW sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành kể từ quý III/2022 trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào như hiện tại – đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm do cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo các chuyên gia của HSBC, mức lạm phát này của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát.
“Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, chúng tôi đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý III/2022 (trước đây dự báo quý IV/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022”, theo HSBC.
Trên thực tế, lãi suất tiết kiệm tăng nhiệt kể từ đầu năm 2022 và kéo dài tới thời điểm hiện tại.
Chẳng hạn, biểu lãi suất tiết kiệm tại NamABank được cộng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn kể từ 1/4. Tiêu biểu, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của NamABank tăng 0,3 điểm % lên 6,5%/năm hay như tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,1 điểm %; 8 tháng tăng 0,2 điểm %.
Tổng Hợp