Dưới áp lực của chính sách và dư luận thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phải thanh toán trái phiếu trước hạn theo nguyện vọng của bên mua.
Việc mua lại trái phiếu trước hạn nằm nhiều ở nhóm các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, còn tiền để trả nợ chứ không phải ở nhóm doanh nghiệp vay nợ cao và rất cao.
Có thực tế là bên cho vay không đòi được các doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải đòi trước hạn các doanh nghiệp còn có sức khỏe tài chính tốt để giảm dư nợ cho vay hoặc chỉ để thu hồi vốn về cho yên tâm. Tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu là khá rộng và câu chuyện “quít làm cam chịu” là có thật.
Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023, so với tháng 3 thì lượng trái phiếu đến hạn sẽ tăng cao hơn trong tháng 5, tháng 6 và đỉnh điểm vào tháng 9, sau đó là tháng 12.
Áp lực từ thị trường trái phiếu sẽ tăng dần và chưa có dự báo với độ tin cậy cao về ảnh hưởng của các đợt trái phiếu đến hạn này trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức cao và thị trường trái phiếu đang thiếu vắng bên mua vì đổ vỡ niềm tin.
Một trong những chủ đề nóng nhất đang được bàn luận là thị trường trái phiếu với các cuộc thương thảo trả nợ hay tìm nguồn vốn mới để đảo nợ trái phiếu, bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp trong huy động vốn cho các hoạt đầu tư trung và dài hạn.
Tuần qua, lãi suất huy động ngắn hạn trên thị trường vốn đã bớt nóng thể hiện qua việc các công ty kinh doanh nguồn vốn đã hạ lãi suất vay kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng xuống dưới 10%, duy trì hơn 2 tháng trước đó, nhưng kỳ hạn 3 tháng vẫn trên mức 10%. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng trở lên vẫn khoảng 10%/năm tính cả khuyến mãi.
Thiếu vốn, ngay cả các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính lành mạnh cũng phải tạm dừng dự án, hoãn giải ngân. Mặc dù room tín dụng cho các ngân hàng cho năm 2023 đã được cấp đợt 1 nhưng điều đó không làm cho TTCK hào hứng hơn bởi trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới suy giảm thì những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới không hề nhỏ. Tăng trưởng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng.
Thị trường đang rất mong ngóng một giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý để giảm bớt các tác động tiêu cực của hiệu ứng “thiếu vốn tứ bề” hiện nay, khi mà nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt cũng phải thu mình vì nguồn vốn vay bị rút về phần nhiều bởi lý do khách quan.
Nhìn lại quá khứ, các gói tín dụng được ví như vốn mồi kích thích thị trường thoát khỏi trạng thái đóng băng, giúp tâm lý nhà đầu tư tự tin trở lại. Đơn cử như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã hâm nóng thị trường trở lại sau đó vài quý.
Liệu trong bối cảnh vô vàn khó khăn như năm nay, các gói tín dụng có khả năng triển khai, nếu triển khai sẽ diễn ra như thế nào, đâu là dư địa để bắt tay hành động thật sớm mà không bị “việt vị”, thị trường chứng khoán sẽ có những ảnh hưởng lan tỏa từ chính sách này ra sao nếu được đưa vào thực tế?
Và mối rối thị trường bất động sản nên cởi từ nút thắt nào, vốn hay pháp lý, hay cứ để thị trường “tự thích ứng?? Trong mục Tiêu điểm của số báo tuần này, Đầu tư Chứng khoán đã nỗ lực tìm thông tin cho những câu hỏi đang được giới đầu tư quan tâm nói trên.
Có lẽ chỉ khi chính sách chuyển động, thị trường mới có kỳ vọng thoát khỏi thế đi ngang như hiện nay. Thậm chí, với quy mô lớn của các doanh nghiệp niêm yết như hiện tại, việc chính sách chậm trễ ra đời sẽ để lại những hệ quả khó đoán cho nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp. Một kịch bản lừng khừng của VN-Index trong vài năm cũng đã được không ít doanh nghiệp lên kế hoạch trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Khi nguồn lực bị phân tán và tâm lý phòng thủ đang ở mức rất cao, việc thị trường phân hoá gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Sẽ không còn sự tăng trưởng đồng loạt, mà thay vào đó là những nhóm ngành và doanh nghiệp lẻ tẻ với những câu chuyện riêng tạo ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia VNDirect, việc tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các dự án nhà ở có thể sẽ đánh dấu “bước ngoặt” cho ngành bất động sản. Chu kỳ “đóng băng” hiện tại dự kiến sẽ diễn ra ngắn hơn so với giai đoạn trước. TPHCM và Hà Nội đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ mới từ năm 2020, tuy nhiên tỉ lệ hấp thụ vẫn đạt ở mức cao cho thấy, nhu cầu mua nhà vẫn khả quan. Luật Đất đai sửa đổi 2023 nếu được ban hành và có hiệu lực kịp thời như kế hoạch vào nửa cuối 2024 sẽ là “bước ngoặt” lớn cho ngành BĐS, khi tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi từ 2024-2025.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện cơ quan quản lý đang nỗ lực tái cân bằng cung cầu. Doanh nghiệp bất động sản sở hữu quỹ sản phẩm phân khúc bình dân có thể hưởng lợi nguồn cung mới nhà ở hiện ngày càng thu hẹp và đối mặt tình trạng lệch pha cung cầu, trong đó căn hộ bình dân khan hiếm chiếm chưa tới 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TPHCM và Hà Nội trong năm 2022.
Tổng Hợp
(Lao Động, Đầu Tư Chứng Khoán)