Câu chuyện ở Việt Nam cũng tương tự, khi những doanh nghiệp tiên phong đầu tư mạnh vào Proptech, hoặc tiến hành mua bán – sáp nhập (M&A) các Proptech như Hưng Thịnh, Vingroup, Đại Phúc, CEN Group…
Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người thường xuyên sử dụng công nghệ ở mức cao (64 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 66% dân số), quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD…, đây là điều kiện lý tưởng để Proptech phát triển tại Việt Nam.
Nghiên cứu mới về hành vi ưu tiên công nghệ của khách hàng sau dịch của Tập đoàn Tư vấn Boston (The Boston Consulting Group) cho thấy, số lượng người tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng – tài chính số, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ bất động sản tại Việt Nam tăng mạnh nhất so với các thị trường mới nổi khác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thị trường Proptech ở Việt Nam còn sơ khai, nhưng được đánh giá giàu tiềm năng. Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, quy mô thị trường bất động sản sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Trong khi đó, báo cáo của Protech Vietnam Network ghi nhận, hiện có khoảng 150 start-up trong lĩnh vực Proptech, trong đó nhiều dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài.
“Các thương vụ đầu tư, góp vốn vào Proptech thời gian qua cho thấy sức nóng của lĩnh vực này ngày càng tăng”, ông Hoàng Mai Chung nói, đồng thời cho biết thêm, “đấu trường” nền tảng số đang cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng chính sự cạnh tranh đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia đánh giá, bối cảnh thị trường thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu áp dụng Proptech nhiều hơn nếu muốn đi xa hơn. Việc thay đổi các cách thức giao dịch bất động sản mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua hàng; gắn kết được các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước; đủ cơ sở để phát triển thị trường theo hướng xanh và thông minh, mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như mỗi người dân… nên Proptech có dư địa lớn để phát triển.
Còn ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, lĩnh vực Proptech hiện tồn tại một số rào cản do chuyển đổi số là một vấn đề mới, chưa có chuyên gia chuyên ngành cũng như sự thay đổi liên tục của công nghệ. Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cũng vậy, các vấn đề như hành lang pháp lý, nhận thức, áp dụng công nghệ hay khó khăn về nguồn lực là những bài toán khó, cần sự quyết tâm của cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng, cũng như chung tay của các bộ, ban ngành liên quan.
“Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan tới chuyển đổi số như chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đây là những văn bản quan trọng trong chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, ông Tùng Anh chia sẻ thêm.
Vấn đề nằm ở tiềm năng của các dự án Proptech mang lại trong tương lai với nền tảng cơ sở dữ liệu khách hàng có được, cũng như khả năng đóng góp vào chuỗi giá trị bất động sản mà họ đang xây dựng, hơn là yếu tố lợi nhuận trước mắt.
Nhìn vào những chuyển động chính sách thời gian gần đây với các yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn xác về thị trường, điều này buộc các cơ quan quản lý phải thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ kết nối xuyên suốt người bán, người mua, người cho thuê và các dịch vụ liên quan. Đây là một trong những yếu tố khiến Morgan Stanley Research đánh giá cao tiềm năng Proptech trong thời gian tới.
Kể từ khi dịch Covid 19 bùng phát, hầu hết các trải nghiệm mua nhà của khách hàng đã bắt đầu tiến vào số hóa. Có thể nói, công nghệ giúp thị trường bất động sản đi nhanh hơn, giúp trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp người kinh doanh bất động sản có thêm con đường để phát triển.
Đánh giá về những tác động mà công nghệ thay đổi hoạt động thị trường bất động sản trong thời gian qua, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam, Batdongsan.com.vn cho biết: “Khách hàng không gặp nhau được, khách hàng ở xa thì đã có các công nghệ như là AR,VR hay các phần mềm thông minh giúp cho khách hàng tìm kiếm bất động sản một cách chủ động hơn. Và khi khách hàng đang có nhu cầu tìm hiểu thay vì trước đây cần có bộ phận tương tác với khách hàng thì nay có chat box…., tiện lợi hơn rất nhiều. Và đến giai đoạn mà chúng ta thực hiện giao dịch, trước đây thì chúng ta phải thông qua giao dịch trực tiếp với nhau thì nay chúng ta có online platform. Dù ở đâu cũng có thể ký hợp đồng, và cuối cùng là sự tiện lợi trong chăm sóc khách hàng và hậu mãi”.
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản đã tìm cách tương tác với người mua qua các ứng dụng công nghệ, nền tảng số, website bất động sản, mạng xã hội… và số lượng người tương tác qua những nền tảng này cũng không hề ít.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp Cao CBRE Việt Nam cho biết: “2 năm qua, các chủ đầu tư đã rất nhanh chóng đổi mới để phù hợp với tình hình của thị trường. Họ đổi mới chính sách bán hàng, áp dụng công nghệ trực tuyến, các công nghệ thực tế ảo vào việc là giới thiệu bán hàng và tiếp thị sản phẩm”.
Cũng theo nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn, có tới hơn 80% người mua nhà chọn các kênh online là kênh thông tin chính để tìm hiểu về thị trường, dự án, khu vực, đánh giá chất lượng, môi trường, pháp lý khi tìm hiểu về một sản phẩm bất động sản nào đó. Chỉ khoảng 49% người tham gia cho biết vẫn tìm kiếm thêm thông tin hỗ trợ từ các kênh offline và 74% trong số đó vẫn chọn tình thức tư vấn trực tiếp trước khi quyết định xuống tiền mua bất động sản.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, VOV)