Ngày 28/5, khối lượng cổ phiếu VHM được giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận đều tăng đột biến, trong đó, riêng giao dịch thỏa thuận đã lên tới 2.200 tỷ đồng.
Phiên giao dịch hôm qua (28/5), cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes (công ty con của Vingroup) ghi nhận mức tăng 0,4% thị giá, chốt phiên ở mức 75.000 đồng/cổ phiếu. Tại vùng giá này, Vinhomes tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 3 thị trường sau công ty mẹ – Vingroup và ngân hàng Vietcombank.
Đáng chú ý, lượng cổ phiếu VHM được nhà đầu tư mua bán qua cả 2 kênh giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận đều tăng đột biến.
Trong khi có tới 4,3 triệu cổ phiếu VHM được khớp lệnh trên sàn với tổng giá trị 327 tỷ đồng (cao hơn gần 50% so với trung bình 10 phiên gần nhất), cũng có tới 31,4 triệu cổ phiếu được sang tay qua hình thức thỏa thuận.
Lượng cổ phiếu được thỏa thuận sang tay này tương đương gần 1% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Vinhomes, giá trị giao dịch cũng lên tới hơn 2.200 tỷ đồng.
Danh tính nhà đầu tư mua bán lô cổ phiếu khủng nói trên chưa được tiết lộ nhưng dữ liệu thị trường cho thấy, lô cổ phiếu này không liên quan tới cổ đông lớn và cổ đông nội bộ doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần lớn cổ phiếu trong lô 31,4 triệu đơn vị này đều do nhà đầu tư trong nước mua gom khi nhà đầu tư nước ngoài cùng phiên chỉ có mức mua dòng 1,1 triệu đơn vị, tương đương gần 87 tỷ đồng qua cả 2 kênh khớp lệnh và thỏa thuận.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Vinhomes, ngoài tập đoàn mẹ – Vingroup đang nắm hơn 2,3 tỷ cổ phiếu (tương đương 70,93% vốn) chỉ còn quỹ GIC/Government of Singapore là cổ đông lớn nắm 5,85% vốn.
GIC cũng là cổ đông ngoại duy nhất nắm giữ 5% cổ phần VinHomes và thuộc diện phải công bố thông tin làm thay đổi 1% vốn điều lệ doanh nghiệp sau khi hoàn tất giao dịch trong vòng 7 ngày.
Lượng cổ phiếu VHM được mua bán sang tay cao đột biến hôm qua là lô giao dịch thỏa thuận cao thứ 2 kể từ đầu năm 2020 đến nay. Xếp sau lô 35,7 triệu cổ phiếu VHM được sang tay vào phiên 6/5 trước đó.
Tuy vậy, phần lớn lô cổ phiếu giao dịch ngày 6/5 lại là của các nhà đầu tư nước ngoài bán cho nhà đầu tư trong nước.
Ngoài GIC, Vinhomes cũng ghi nhận hàng loạt quỹ ngoại đang sở hữu vốn với tỷ lệ hàng chục triệu đơn vị.
Trong số các quỹ ngoại nắm giữ dưới 5% cổ phần tại công ty bất động sản này (thuộc diện không phải công bố thông tin khi thay đổi tỷ lệ sở hữu), Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ đầu tư lớn nhất do Dragon Capital quản lý cũng sở hữu khoảng 33 triệu cổ phiếu VHM.
Trong đó, ghi nhận trên danh mục đầu tư của VEIL, cổ phiếu VHM chiếm khoảng 7,63% tổng giá trị đầu tư, tương ứng 89 triệu USD (cuối tháng 4).
Ngoài ra, EuroPacific Growth Fund cũng đang nắm giữ 33,5 triệu cổ phiếu VHM, tương đương lô cổ phiếu mà khối ngoại đã bán ra trong phiên 6/5 trước đó.
Với nguồn thu quan trọng từ bảo hiểm xe máy và ôtô, nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang đều đặn thu về vài nghìn tỷ doanh thu cùng hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm.
Phát triển dựa vào năng suất kết hợp sáng tạo và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân, Nhà nước… là những yếu tố để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, theo WB.