ABBank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính có cho vay khách hàng tăng trưởng âm sau 9 tháng đầu năm. Nợ xấu cũng ở mức cao…
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – Mã: ABB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý III giảm 65,6% so với cùng kỳ xuống 29,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 708,2 tỷ đồng, tụt 59,4% và mới hoàn thành 25% kế hoạch năm.
Sau khi trừ đi nghĩa vụ thuế, ngân hàng thu về 23,5 tỷ đồng trong riêng quý III và 564,8 tỷ đồng trong ba quý đầu năm 2023. Trước đó, trong quý II, ABBank từng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận khoảng 94% so với cùng kỳ.
Tương tự như nhiều ngân hàng khác, lãi của ABBank đi xuống trong quý III chủ yếu do sự sụt giảm trong thu nhập lãi thuần. Khoản mục này đã giảm 33,9% so với cùng kỳ với 647,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục báo lỗ 155,9 tỷ đồng, quý III năm trước mảng này lỗ 1,8 tỷ đồng; hoạt động kinh danh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm 86,9%, xuống 11,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi cải thiện mang về hơn 172 tỷ đồng cho ngân hàng, cùng kỳ năm trước ngân hàng lỗ 43,6 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả tích cực, thoát lỗ và đem về cho ABBank lần lượt 189,4 tỷ đồng và 105,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý III của ngân hàng giảm gần 33% còn 265,4 tỷ đồng nhưng chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ cũng ở mức gần 236 tỷ đồng, ăn mòn phần lớn lợi nhuận.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ABBank lãi trước thuế 708 tỷ đồng và lãi sau thuế 566 tỷ đồng,giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
ABBank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính có cho vay khách hàng tăng trưởng âm sau 9 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 9,cho vay khách hàng đạt 81.800 tỷ đồng,giảm 0,5% so với đầu năm. Tuy vậy, tổng tài sản của ngân hàng vẫn tăng 8,9% lên 141.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, tiền gửi khách hàng tại ABBank tăng 10,4% so với đầu năm lên hơn 92.800 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đem gửigần 35.900 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng khác (tăng 75% so với cuối năm trước).
Số dư xấu ở mức 2.861 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu là 3,51%. Con số này thấp hơn vào cuối quý II (4,55%), tuy nhiên vẫn trên ngưỡng 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù lợi nhuận không mấy khả quan nhưng chi cho nhân viên vẫn tăng gần 19%, mức chi bình quân hàng tháng cho nhân viên đạt 21,79 triệu đồng.
Trong quý III, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng không quá tích cực với phần lớn ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm trong kỳ (14/22 ngân hàng đã công bố). Mới đây nhất Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) công bố lợi nhuận trước thuế quý III giảm gần 67% với xấp xỉ 50 tỷ đồng.
Mảng mang lại nguồn thu nhập chính như thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 13,5% so với cùng kỳ năm phản ánh biên lãi thuần (NIM) bị thu hẹp. Lãi thuần từ các mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác giảm lần lượt 43,8% và 99% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng nhẹ 2,6% trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng tới 208% mang về lần lượt hơn 32 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 63% với gần 70 tỷ đồng, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro đã được cắt giảm một nửa nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn sụt giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế ở mức gần 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 116 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, xu hướng sụt giảm được ghi nhận ở tất cả mảng kinh doanh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm xấp xỉ 32%, chi phí dự phòng rủi ro cũng được cắt giảm hơn 57% nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 22% so với cùng kỳ năm trước với 418 tỷ đồng, tương đương 43,5% kế hoạch cả năm.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)