Để thực sự khai phá được nguồn lực to lớn là đất đai, lần sửa luật này cần đặc biệt chú ý đến quyền của người dân.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể dành riêng một ngày cho ý kiến tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ lập pháp này.
Trước khi đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) cho ý kiến tại phiên họp toàn thể ngày 27/4 vừa qua.
Tại đây, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, bổ sung 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
Phần quy định chung, Dự thảo đã bổ sung quy định Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp phục vụ phòng chống dịch bệnh. Với sở hữu đất đai, Dự thảo bổ sung quy định về sự bảo hộ của Nhà nước đối với người sử dụng đất.
Liên quan đến Điều 75 về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng – nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân – Dự thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của điều này, trong đó quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tại dự thảo này, Chính phủ tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Dự thảo đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.
Đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.
Về nguyên tắc, căn cứ phương pháp định giá đất, tiếp thu ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Đồng thời, Dự thảo đã bổ sung quy định về các phương pháp định giá đất gồm: so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.
Các ý kiến tại Ủy ban Kinh tế vẫn băn khoăn nhiều về các quy định liên quan đến thu hồi đất, về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đề nghị cần làm rõ các trường hợp cụ thể không cần thiết thu hồi đất, đồng thời đảm bảo lợi ích của dân trong mọi chính sách.
Cũng ngay trước kỳ nghỉ lễ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với Dự thảo.
Phát biểu khai mạc, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam bày tỏ, “thấy một nỗi buồn man mác” khi nhiều ý kiến đã được MTTQ tổng hợp, được chuẩn bị triển khai công phu, kỹ lưỡng, nhưng sự ghi nhận đối với ý kiến của MTTQ trong báo cáo tiếp thu chưa rõ.
TS. Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế nhấn mạnh, đây là cơ hội sửa luật vì lợi ích quốc gia, vì thế, cần tiếp cận Luật Đất đai ở tâm thế thời đại, mang tính thời đại nhiều hơn, thay vì chỉ tiếp cận ở “rìa rìa, cơi nới” như Dự thảo.
“Điều đầu tiên khi tiếp cận Luật Đất đai phải xem Luật Đất đai có thể giải quyết được các xung đột lợi ích, xung đột xã hội lâu nay hay không. Phải định nghĩa được những điều rất cơ bản như sở hữu đất đai là gì? Sở hữu toàn dân về đất đai là gì? Và các chủ thể liên quan tới quyền sở hữu này như thế nào? Sở hữu toàn dân về đất đai là thế nào, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường và cơ chế thực hiện quyền đó về mặt pháp lý và kinh tế. Nếu không định nghĩa làm sao các chủ thể xác định được quyền và nghĩa vụ của mình. Điểm này dường như bị bỏ quên, không biết có cố tình hay không hay khó quá mà không làm. Không làm được cái này thì không giải quyết được cái gì”, ông Thiên góp ý.
Với thu hồi đất, ông Thiên cho rằng, chỉ nên thu hồi trong trường hợp vì lợi ích tối đa của quốc gia, không thể không làm. Còn lại thì chỉ nên trưng mua. “Người ta nhường đất, hy sinh cá nhân cho lợi ích công cộng thì phải được trả giá cao, thoả đáng. Thậm chí đáng ra phải được hưởng chênh lệch địa tô. Ta bao giờ cũng muốn trả cho dân thấp xuống, nên xung đột tăng lên. Lúc này là lúc thay câu chuyện thu hồi bằng trưng mua và có thưởng theo nguyên tắc nhà nước đứng ra bù lại cho người ta phần chênh lệch”, ông Thiên đề nghị.
Tổng Hợp
(ĐTCK)