Sau 6 tháng tiếp quản VinCommerce từ Vingroup, Masan đã đóng 151 cửa hàng hoạt động không hiệu quả, qua đó giảm mức lỗ của chuỗi bán lẻ này.
Sau nửa năm tiếp quản hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ từ tay Vingroup, Tập đoàn Masan đang thu hẹp quy mô chuỗi bán lẻ này để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đến hết quý II, toàn hệ thống bán lẻ VinCommerce có 2.916 cửa hàng, gồm 130 siêu thị Vinmart và 2.786 siêu thị mini Vinmart+. So với thời điểm cuối 2019, Masan đã đóng 151 cửa hàng và mở mới 45 điểm bán.
Hệ thống bán lẻ VinCommerce đem về cho Masan doanh thu 7.104 tỷ đồng trong quý II và 15.813 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.
Với mô hình siêu thị Vinmart, doanh thu quý II giảm 15% so với cùng kỳ 2019 chủ yếu vì các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retai đóng cửa do giãn cách xã hội và công ty chủ động giảm doanh số mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B) để cải thiện biên lợi nhuận.
Trong nửa đầu năm, Masan đã đóng cửa 4 siêu thị và chỉ mở mới 1 siêu thị Vinmart. Tính theo chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG), Vinmart ghi nhận mức âm 8% trong quý II.
Ngược lại, chuỗi siêu thị mini Vinmart+ đem lại nhiều tín hiệu khả quan hơn. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu quý II của VinMart+ tăng 51%. Tăng trưởng SSSG theo doanh thu/m2 là 3% do giá trị hóa đơn trung bình tăng bù đắp cho lượng khách đến cửa hàng giảm vì ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội trong tháng 4.
Phân tích chỉ số SSSG tại từng khu vực, Vinmart+ tăng trưởng 8% tại TP.HCM, thị trường trọng điểm để cải tiến mô hình hoạt động. Ở Hà Nội, nơi thương hiệu bán lẻ này đang có thị phần áp đảo, SSSG tăng 1%. Ở các thành phố cấp 1 như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Cần Thơ và Hải Phòng, chỉ số này lại giảm 10% do lượng khách du lịch ít hơn. Ngược lại, Vinmart+ tăng trưởng 10% ở các thành phố cấp 2.
Sau 6 tháng, Masan khai trương 44 cửa hàng Vinmart+ nhưng dừng hoạt động 146 điểm bán. Gần 80% các cửa hàng bị đóng nằm ở TP.HCM và các thành phố cấp 2.
Đây là những cửa hàng có tỷ lệ doanh thu/m2 và biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng. Masan đang điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bài trí của Vinmart+, đặc biệt ở khu vực TP.HCM.
Về quản lý chi phí, Masan cho biết đang đàm phán hiệu quả hơn với các nhà phân phối, giảm chi phí nhân viên trên doanh thu nhưng chưa cải thiện thiện chi phí thuê mặt bằng.
Trong quý II, VinCommerce lỗ trước thuế, khấu hao và lãi vay 612 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, EBITDA của chuỗi bán lẻ này âm 1.058 tỷ đồng, tương đương tỷ suất EBITDA trên doanh thu âm 6,7%. So với nửa đầu 2019, con số này cải thiện 2%, giúp mục tiêu hòa vốn của VinCommerce đến gần hơn.
Riêng tại Hà Nội, biên EBITDA ở cấp cửa hàng của VinCommerce trong 6 tháng đầu năm đã đạt mức 2%, đồng nghĩa các cửa hàng Vinmart, Vinmart+ ở thủ đô có lợi trước thuế, khấu hao và lãi vay. Đồng thời, Masan cho biết biên EBITDA của VinMart+ tại các thành phố cấp 1 đạt mức dương tính riêng trong quý II.
Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng mô hình siêu thị mini của Vinmart+ sẽ là tương lai của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của tập đoàn về các điểm POL (Point of Life), kết hợp xuyên suốt các dịch vụ online và offline, phục vụ người tiêu dùng không chỉ nhu yếu phẩm mà cả dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và giải trí.
Trong nửa cuối năm 2020, Masan dự kiến tăng tốc việc tối ưu và ra mắt mô hình siêu thị mini mới.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6, Chủ tịch Masan Cosumers Holdings kiêm Tổng giám đốc VinCommerce Trương Công Thắng tiết lộ công ty đang nghiên cứu, đánh giá lại trải nghiệm của khách hàng và sẽ hoàn thành trong 3 tháng tới để cải tiến mô hình cửa hàng. Bức tranh tương đối đầy đủ của Vinmart+ mới sẽ lộ diện vào quý III.