Sau 8 năm, giá trị BĐS tại khu Đông và Đông Nam Hà Nội đã tăng gấp 3 lần, thậm chí, có nơi còn tăng 4 lần so với trước.
Vào khoảng năm 2010 – 2011, thị trường BĐS Hà Nội hầu như phát triển mạnh về phía Tây nhờ đề án quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, hành chính mới. Vào thời điểm đó, giá trị BĐS nhiều khu vực như Mỹ Đình, Cầu Diễn, Phạm Hùng,… đã tăng gấp nhiều lần, một số nơi tăng gấp 3-4 lần.
Trong khi đó, giá đất tại khu vực phía Đông và Đông Nam Hà Nội gần như không biến động nhiều, hoặc chỉ tăng giá tương đối nhẹ khoảng 10% – 20%/năm.
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi trong thời gian gần đây, khi khu Đông và Đông Nam trở thành điểm nhấn mới của thị trường BĐS Hà Nội.
Sau 8 năm, giá trị BĐS tại khu Đông và Đông Nam Hà Nội đã tăng gấp 3 lần, thậm chí, có nơi còn tăng 4 lần so với trước. Ảnh minh họa: N.M
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, tính tới thời điểm cuối năm 2019, giá đất bình quân tại khu vực Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh đã tăng 30% – 40% so với cùng kỳ năm 2018, tăng khoảng 3-4 lần so với 6 năm trước.
Ngay cả bối cảnh hiện tại thị trường gần như chững lại vì đại dịch Covid-19, giá đất tại đây vẫn tiếp tục tăng nhẹ, dao động từ 3 – 5% so với cuối năm ngoái.
Cụ thể, giá đất dự án tại Trâu Quỳ tăng từ 17 triệu đồng lên ngưỡng 35 – 60 triệu/m2 (tăng hơn 100%), đất Đa Tốn tăng lên ngưỡng 9 – 20 triệu/m2 (gần 100%), đất Cổ Bi tăng từ 12 – 25 triệu (70%). Thậm chí, một số nơi còn tăng lên ngưỡng 100 – 120 triệu đồng/m2.
Hạ tầng hoàn thiện cùng nhiều dự án BĐS lớn đổ bộ khiến cho giá trị đất khu vực này tăng nhanh. Trong ảnh là khu đô thị Ecopark
Trong khi đó, nhà đất, đất nền trong khu dân cư cũng có mức tăng tương tự và thấp hơn đất dự án khoảng 3 – 5 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Dần (51 tuổi), một nhà đầu tư đất nền tại khu Đông cho biết, vào khoảng năm 2011, bà đã quyết định đầu tư 2 tỷ đồng vào một thửa đất thổ cư có diện tích khoảng 250 m2 tại khu vực Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội).
Khi biết tin đầu tư vào khu Đông, một số người quen của bà Dần cho rằng không nên rót vốn vào đây, bởi vì khu vực này còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Nếu muốn có lợi nhuận gấp đôi, bà phải xác định tâm lý chờ đợi trên 10 năm.
Thế nhưng, chỉ sau 8 năm (tính tới cuối năm 2019), giá trị thửa đất này được giao dịch trên thị trường thứ cấp đã lên tới gần 6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần (khoảng 42 triệu đồng/m2).
Ở thời điểm hiện tại, dù có nhiều công ty BĐS thương lượng giá sang nhượng lại thửa đất này, tuy nhiên bà Dần chưa đồng ý bán và chờ đợi thêm một thời gian nữa mới đưa ra quyết định.
Nút giao Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong tương lai
Bà Dần đánh giá, thị trường BĐS khu Đông và Đông Nam Hà Nội trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tăng giá nhờ thông tin Gia Lâm và Đông Anh được quy hoạch lên quận vào năm 2022.
“Từ giờ cho tới thời điểm đó, tôi cho rằng, giá đất vẫn sẽ tiếp tục đà tăng 10% – 20% như trước, cho tới khi được lên quận, có thể giá đất sẽ thiết lập mặt bằng giá trị khác, với tốc độ tăng trưởng cao hơn”, bà Dần nói.
Nhiều chuyên gia trong giới BĐS trong nước cũng nhìn nhận, giá đất tại khu Đông và Đông Nam Hà Nội đang có rất nhiều cơ hội tăng trưởng trong tầm nhìn trung và dài hạn.
Quan trọng nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm Hà Nội với khu Đông, Đông Nam ngày càng mở rộng và hoàn thiện. Trong đó, Hà Nội đã chú trọng việc xây dựng thêm một số cầu vượt sông Hồng, như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và dự án 2 mở rộng cầu Vĩnh Tuy.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại, tiềm năng phát triển của phía Đông và Đông Nam đang rất rộng mở.
Đồng thời phát triển thêm hệ thống đường cao tốc, kết nối Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Giang, Pháp Vân – Cầu Giẽ,…
Bên cạnh sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện kết nối giao thông, ông Đính nhận xét, khu vực phía Đông và Đông Nam ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản “khủng”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại, tiềm năng phát của phía Đông và Đông Nam đang rất rộng mở.
Tuy nhiên, trước khi rót vốn tham gia thị trường, nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ dự án mà bản thân quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần tránh đầu tư “lướt sóng” dựa vào các thông tin mới được công bố hoặc đầu tư theo đám đông.
“Các nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thực trạng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực đó. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển, kinh tế theo chủ trương của địa phương và đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, việc định giá trị bất động sản phải dựa trên nguyên tắc thực tế, nhu cầu cần thực sự của thị trường tránh những giao dịch ảo, rủi ro trong đầu tư”, ông Đính nói.
Việt Vũ