Đầu tháng 7/2020, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho nhiều NHTM. Việc này sẽ tác động thế nào đến thị trường. PV đã có trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.
PV: Ông nhận định ra sao về tác động của việc nới room tín dụng ở thời điểm này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong thời gian dịch bệnh, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ nên DN không có nhu cầu vay mới mà chủ yếu là muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay cũ. Đó chính là lý do khiến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm ở mức thấp.
Tuy nhiên trên thực tế, có một số ngân hàng khá loay hoay với việc tăng trưởng tín dụng, nhưng cũng có những ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng tương đối tích cực. Nay khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại, các nhà băng này rất trông chờ vào việc được nới room.
Tôi cho rằng động thái nới room cho các Ngân hàng Thương mại (NHTM) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phần nào tạo thêm cơ hội cho các DN có khả năng phục hồi tốt hơn, từ đó tìm kiếm thêm những thị trường mới, bù đắp sự thiếu hụt do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch Covid-19.
Tất nhiên, mức room NHNN cấp thêm cho các NHTM cũng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu, năng lực giải ngân, năng lực quản lý rủi ro của ngân hàng. Quan điểm của NHNN là không hạ chuẩn cho vay, đây là điều rất quan trọng vì chắc chắn không ngân hàng nào dám đánh đổi rủi ro lớn để đổi lấy tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn.
Nhưng nhìn ở góc độ khác, các ngân hàng cũng nên cân nhắc để có thể chấp nhận mức rủi ro cao hơn một chút đối với một số dự án có khả năng phục hồi khả quan để quyết định rót vốn.
PV: Theo ông, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng có tạo áp lực lên lạm phát?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của NHNN tiếp tục linh hoạt. Hơn nữa, NHNN chỉ nới room tín dụng cho một số ngân hàng, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của cả hệ thống năm nay được dự báo sẽ chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng 14% mà NHNN đề ra từ đầu năm.
Thực tế cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, với việc sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành CSTT, NHNN đã rất nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát. Lạm phát bình quân vì thế cũng giảm dần từ mức cao 6,43% hồi đầu năm về mức 4,19% tại thời điểm cuối tháng 6, dần tiệm cận với chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Ảnh minh họa.
Đương nhiên, việc đẩy tín dụng thêm ra thị trường sẽ phải nằm trong sự kiểm soát và thận trọng, song như trên đã chia sẻ, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn hạn chế, hấp thụ vốn chưa tích cực nên tăng trưởng tín dụng cũng gần như không có cơ hội tăng “thần tốc”, do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn có thể đảm bảo được.
PV: Theo ông, ngân hàng còn dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng còn, nhưng rất hạn hẹp. Việc giảm thêm lãi suất có thể được thực thi với việc giảm lạm phát. Chứ không thể nào để lãi suất huy động với lạm phát gần tương đương nhau thì người gửi tiền sẽ không còn tha thiết gì gửi tiết kiệm nữa, như vậy thì lấy đâu ra vốn huy động.
Lạm phát của chúng ta cố gắng duy trì mức dưới 4%, thì ít nhất mức huy động của người dân phải cao hơn 2% so với lạm phát. Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay trên thị trường của các NHTM đã là rất thấp rồi, đó là chưa tính tới lời lãi ngân hàng, chi phí khi cho vay… nên đất để giảm thêm lãi suất cho vay rất khó.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm 2020?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 10%. Đây là mục tiêu khó. Thứ nhất, nhìn ngược trở lại vào những năm gần đây, mức tăng trưởng tín dụng cũng đã có sự chững lại so với thời gian trước, chỉ ở mức 13 – 14%.
Điểm thứ hai, 6 tháng đầu năm vừa qua rõ ràng mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, nên nếu muốn tăng trưởng mức 10% đồng nghĩa việc nửa còn lại của năm 2020 phải có mức tăng rất cao thì mới bù đắp được, mà tăng cao và nhanh ở thời điểm này gần như là không thể.
Thứ ba, mặc dù Việt Nam đang kiềm chế và kiểm soát tốt dịch Covid-19 không bùng phát, nền kinh tế và đời sống bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới. Nhưng ở nhiều nước khác trên thế giới, nhất là với những quốc gia Việt Nam có quan hệ thương mại xuất khẩu và nhập khẩu thì vẫn đang chịu tác động rất nặng nề của dịch.
Như vậy, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó khăn theo, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt như lĩnh vực da giày, may mặc… không có đơn hàng, không có thị trường. Dù chúng ta tích cực triển khai các giải pháp như hướng vào thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường tiềm năng mới… thì tăng trưởng không thể bằng các năm được, nên đạt được con số 10% là rất gian nan.
Thời gian tới, nếu tình hình thế giới khả quan hơn, vaccine sớm được tìm ra, lúc đó nền kinh tế Việt Nam cũng thêm động lực khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ hơn, tín dụng cũng như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Khôi/Thời báo Ngân hàng