Thống kê đến ngày 24/7, toàn thị trường đã có 8 doanh nghiệp báo lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 trên 1.000 tỉ đồng. Nhóm ngân hàng tiếp tục áp đảo các ngành khác với 6 nhà băng góp mặt trong danh sách doanh nghiệp lãi khủng, trong đó, “ngôi vương” đang thuộc về Vietcombank.
Thống kê tính đến ngày 24/7, toàn thị trường chứng khoán có 548 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quí II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, 452 doanh nghiệp báo lãi trong nửa đầu năm và 96 doanh nghiệp lỗ ròng.
Theo FiinGroup, các doanh nghiệp đã báo cáo KQKD quí II ghi nhận tỉ lệ thực hiện 40,3% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Các doanh nghiệp có tỉ lệ hoàn thành kế hoạch cao đều là các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ đại dịch COVID-19.
Tổng số lợi nhuận của 452 doanh nghiệp là 52.633 tỉ đồng, áp đảo đáng kể so với mức lỗ 6.356 tỉ đồng của 96 doanh nghiệp còn lại.
Với giá trị trên, mức lợi nhuận sau thuế bình quân của các doanh nghiệp báo lãi khoảng 116 tỉ đồng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ có 59 doanh nghiệp báo lãi trên 100 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Điều này chỉ ra sự phân hóa rõ nét trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Sự phân hóa trên một phần đến từ những doanh nghiệp dẫn đầu với mức lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Bất chấp kinh tế khó khăn, khối ngân hàng vẫn báo lãi hàng nghìn tỉ
Theo đó, góp mặt trong “câu lạc bộ” lãi nghìn tỉ gồm 8 doanh nghiệp, trong đó có tới 6 mã thuộc ngành ngân hàng. LNST 6 tháng của 8 doanh nghiệp này đạt 30.888 tỉ đồng, chiếm 59% tổng LNST ròng của 452 doanh nghiệp báo lãi trong kì.
Cụ thể, Vietcombank (VCB) dẫn đầu về LNST 6 tháng đầu năm 2020 với 8.798 tỉ đồng dù giảm 3,1% so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên, nếu xét riêng quí II/2020, LNST của ngân hàng tăng 5,8% lên 4.615 tỉ đồng.
Vietcombank cũng là một trong số ít ngân hàng đã phản ánh chi phí dự phòng gia tăng trong quí I/2020 nhằm chuẩn bị cho những diễn biến khó lường từ tác động của dịch COVID-19.
Theo Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành, dự phòng phải trích của Vietcombank theo qui định hiện là 12.400 tỉ đồng trong khi quĩ dự phòng đã lên tới 16.700 tỉ đồng, tức ngân hàng đã trích dư 4.300 tỉ đồng.
Tính đến ngày 25/6/2020, tỉ lệ nợ xấu ước tính ở mức thấp 0,8%. Lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định sẽ kiểm soát nợ xấu dưới 1,5% trong năm nay. FiinGroup nhận định Vietcombank là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Bên cạnh đó, ngân hàng bắt đầu bán bảo hiểm từ tháng 4/2020. Khoản thu nhập trả trước từ hoạt động kí kết hợp đồng Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Công ty Bảo hiểm FWD trị giá 400 triệu USD (9.000 tỉ đồng) đã được thanh toán và sẽ được Vietcombank phân bổ trong ba năm, bắt đầu từ năm 2020.
Theo FiinGroup, đây là khoản phí đại lí lớn nhất từ trước tới nay tại thị trường Việt Nam. Khoản thu này sẽ phần nào bù đắp được cho sự sụt giảm tới từ mảng thu nhập lãi của ngân hàng khi Vietcombank hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Đứng thứ hai về lãi ròng 6 tháng đầu năm là VPBank. Đáng chú ý, ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong nhóm doanh nghiệp lãi nghìn tỉ, tăng 51,7% lên 5.265 tỉ đồng. Sau nửa năm, tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận cả năm của VPBank là 51,5%.
Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỉ lệ tăng trưởng này ở ngân hàng riêng lẻ đạt tới 12,7%. Đây là mức tăng trưởng bền vững và ấn tượng so với bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm tới nay.
Cùng với duy trì hoạt động kinh doanh tích cực, các chỉ số xếp hạng tín nhiệm của VPBank được Moody’s tiếp tục giữ nguyên ở triển vọng ổn định (mức B1) trong thông báo mới đây. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) lần đầu chính thức chấp thuận cấp cho một ngân hàng tại Việt Nam là VPBank khoản vay 100 triệu USD.
Trên sàn HNX, Ngân hàng ACB là nhà băng duy nhất báo lãi nghìn tỉ sau nửa đầu năm. Cụ thể, LNST 6 tháng ACB tăng 5,5% so với cùng kì lên 3.059 tỉ đồng. Trong năm 2020, ACB có kế hoạch chuyển đăng kí niêm yết cổ phiếu của ngân hàng sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỉ đồng lên 21.615 tỉ đồng trong năm 2020 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 30% trong quí cuối năm.
Trong các doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM, Ngân hàng VIB cũng góp tên trong “câu lạc bộ” lãi nghìn tỉ với LNST 1.885 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận của VIB trong 6 ngân hàng chỉ đứng sau VPB, đạt 29,5%.
Trường hợp của TPBank, trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng 29,7% với 3.492 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác ghi nhận mức lãi đột biết đạt lần lượt 193 tỉ đồng và 380 tỉ đồng, gấp 13 lần và 9 lần cùng kì năm trước năm trước.
Sự khởi sắc của các mảng kinh doanh chính giúp TPBank có được mức tăng trưởng lợi nhuận 25,7% lên 1.628 tỉ đồng bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp rưỡi. Cùng nhóm ngân hàng, Sacombank vẫn duy trì mức lợi nhuận ròng trên nghìn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm dù ghi nhận mức giảm 1,9% so với cùng kì năm ngoái.
GAS đứng vững trong “câu lạc bộ” lãi khủng bất chấp ảnh hưởng từ giá dầu giảm sâu do COVID-19
Tạm tính đến thời điểm hiện tại, hai doanh nghiệp ngoài nhóm ngân hàng lọt top công ty lãi khủng trong nửa đầu năm gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và PV GAS (GAS).
Theo đó, BCTC mới ra của Hòa Phát cho thấy lợi nhuận lũy kế 6 tháng năm 2020 đạt 5.060 tỉ đồng, tăng trưởng 31% so với 6 tháng đầu năm 2019; doanh thu thuần 39.655 tỉ đồng, tăng gần 30%. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Hòa Phát tăng 10.868 tỉ đồng so với ngày đầu năm, đạt mức 112.644 tỉ đồng. Sự đi lên này chủ yếu đến từ nợ phải trả tăng 6.074 tỉ đồng lên 60.063 tỉ đồng, tương đương 53,3% tổng tài sản.
Riêng các khoản nợ phải trả lãi như vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đã tăng xấp xỉ 6.000 tỉ đồng so với đầu năm. Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay là 1.004 tỉ đồng, cao hơn con số 936 tỉ đồng của cả năm 2019.
Về ông lớn ngành dầu khí PV GAS, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19, giá dầu sụt giảm và sự cố từ phía thượng nguồn ngày một tăng cao. Tuy nhiên, bất chấp lợi nhuận giảm mạnh 33,7% so với cùng kì, doanh nghiệp này vẫn đứng Top4 các công ty báo lãi khủng trong nửa đầu năm 2020.
Trong năm nay, PV GAS lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 66.163 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.294 tỉ đồng, theo đó công ty đã thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận.
Thu Thủy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng