Từ yêu cầu hình thành một khu động lực thống nhất tương tác cao phải hình thành 1 đơn vị quản lý, TP.HCM đã đề xuất tích hợp 3 quận: quận 2, 9 và Thủ Đức thành một.
Tại hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 24/7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh, từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TP.HCM đề xuất hợp nhất 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thành một thành phố trực thuộc TP.HCM. Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng tham dự hội nghị còn có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM…
Không tổ chức HĐND cấp quận, phường
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chia sẻ, hội nghị đánh giá những kết quả thực hiện trong 5 năm qua, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, công việc trong 5 năm tới.
Trong đó, hội nghị sẽ nghe và cho ý kiến về đề án không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường trên địa bàn TP. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TP.HCM thực hiện từ năm 2009 đến năm 2016, theo chủ trương thí điểm được Quốc hội cho phép. Sau thời gian thí điểm, Quốc hội không đồng ý tiếp tục thực hiện.
Nhưng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì cấp quận, phường có thể không tổ chức HĐND và phải có đề án và được Quốc hội thông qua. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua đề án không có HĐND cấp quận, cấp phường ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP.HCM có cơ sở thực tiễn trong việc không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường vì đã thực hiện nhiều năm trước và đã có một số kết quả nhất định. Khi chỉ có HĐND cấp TP thì những Nghị quyết của HĐND về phát triển TP cả về quy hoạch, ngân sách phải định hướng sát tới quận và hình thành dự án có thể đến tận cơ sở. Trong khi đó, UBND cấp quận, cấp phường là cơ quan hành chính địa phương, sẽ thực hiện Nghị quyết HĐND cấp TP cùng chỉ đạo của UBND TP. Điều này đòi hỏi trong quá trình chuẩn bị các quyết định cấp TP phải gắn với cơ sở và khi triển khai sẽ không thông qua khâu trung gian.
Ngoài ra, ở TP.HCM, tất cả các dự án hạ tầng đều mang tính chất liên phường, liên quận. Khi tổ chức lại thì những loại vấn đề này do cấp TP quyết định một lần và triển khai một cách đồng bộ, không phải “cắt từng khúc” và mỗi quận tự quyết đoạn qua địa bàn mình. Đó là lợi thế ưu điểm ở cách làm này.
Đồng thời, quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng mắc và phản ánh thì cơ quan quyết định về chính sách về TP chỉ có 1 cấp quyết định ngay sẽ sửa đổi, bổ sung và thay thế ra sao là cấp TP và cấp dưới làm ngay, không phải bàn lần lượt cấp phường, quận rồi trình lên TP (để quyết định).
Dẫn chứng một vài băn khoăn, như vai trò giám sát của dân đối với chính quyền sẽ như thế nào, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, đề án trình bày kỹ hơn. Trong đó, bên cạnh việc giám sát của đại biểu HĐND cấp TP (đến tận các phường), thì MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cần khẳng định vị trí tốt hơn, thông qua việc quyết liệt, chặt chẽ thực hiện quyền giám sát.
Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, dù bỏ đi 2 cấp HĐND quận, phường nhưng dân chủ vẫn được duy trì và quyết định hành chính, nhanh hơn, hiêu quả, toàn diện hơn. Vì vậy, TP.HCM cần tập trung quyết liệt hoàn chỉnh trình đề án trong tháng 10/2020 để Quốc hội quyết định phương án bầu cử sẽ không có bầu cử HĐND quận, phường nữa.
“Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa này có sứ mệnh quan trọng là khởi động lại đề án, không gọi là thí điểm nữa theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Thành lập thành phố từ 3 quận 2, 9 và Thủ Đức
Về đề án thành lập thành phố phía Đông, đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, Thủ Đức ngày xưa rất rộng và được tách thành quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 như hiện nay. Thời gian qua, 3 quận này có chỉ số tăng trưởng tốt. Trong khi đó, 3 quận này có các yếu tố khác nhau nhưng có tác động hình thành các động lực tăng trưởng mới. Đây là nơi có cường độ công nghệ cao ứng dụng cao nhất cả nước; nơi có cường độ đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước và cũng là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế.
“3 yếu tố này tác động lại tạo nên vùng tăng trưởng mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và phân tích thêm, ở khu vực này có 6 khu chức năng. Song 6 khu này tách rời vì nằm ở 3 quận, không đảm bảo tính tương tác liên thông. Vì vậy, từ yêu cầu hình thành một khu động lực thống nhất tương tác cao phải hình thành 1 đơn vị quản lý, TP.HCM đề xuất tích hợp 3 quận này thành một.
Thành phố phía Đông được thành lập sẽ có quy mô khoảng 22.000ha, bằng 1/10 diện tích toàn thành phố
Đặc điểm của đơn vị mới này có quy mô lớn (khoảng 22.000ha, bằng 1/10 diện tích toàn thành phố; dân số trên 1 triệu, dự kiến đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố) nên không thể là quận được. Đơn vị này phải là thành phố. Trong quy định có cho phép các tỉnh được phép tổ chức thành phố trực thuộc. Trên cơ sở đó, TP.HCM xây dựng đề án sáp nhập 3 quận hình thành một thành phố. Thành phố này có ý nghĩa lớn về kinh tế, quy mô dân số đông nên sẽ có HĐND. “Nội dung cũng phải làm khẩn trương để trình Quốc hội”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Cũng liên quan đến việc phát triển của khu vực phía Đông này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (quận 2). Đồng chí đề nghị các đại biểu quan tâm thảo luận để ban hành nghị quyết về việc tập trung đầu tư xây dựng để hoàn chỉnh KĐTM Thủ Thiêm.
Từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 930ha. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đến nay TP.HCM đã đạt được một số kết quả. Nổi bật là việc cơ bản bồi thường, giải phóng mặt bằng (gần 14.000 hộ dân); đồng thời triển khai xây dựng một số cơ sở hạ tầng, như 4 con đường cùng một số hạ tầng khác. Vấn đề đặt ra là tập trung xử lý các tồn tại, như các vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra cũng như một số thiếu sót về pháp lý, gây vướng mắc trong thực hiện cần được tập trung tháo gỡ.
Một trong những vướng mắc phát sinh là hầu hết các dự án làm hạ tầng tại KĐTM Thủ Thiêm cũng như một số dự án xây dựng không tổ chức đấu thầu dự án. Cùng với đó là việc không đấu giá quyền sử dụng đất mà giao chỉ định, với nhiều trường hợp được giao chỉ định với giá đất thấp. Về hướng giải quyết, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đối với các dự án đang được thực hiện, về cơ bản có thể tiếp tục cho phép thực hiện nhưng sẽ tính toán, yêu cầu bổ sung nghĩa vụ tài chính (do tính giao giá đất thấp).
Trong số các vướng mắc ở KĐTM Thủ Thiêm, để giải quyết được, có vấn đề cần phải báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi phân tích cụ thể các vướng mắc cũng như gợi ý định hướng tháo gỡ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước thực tế này đòi hỏi Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM phải có nghị quyết để tập trung giải quyết các bất cập trong thời gian qua và xác định hướng đi hợp lý trong gian đoạn tới. Trong nghị quyết cũng cần cụ thể hơn vì về kinh phí thực hiện cùng thời gian thực hiện, hoàn chỉnh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Hội nghị cũng đánh giá về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm 2018, Thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề sơ kết kết quả thực hiện chương trình, qua đó, nhiều nội dung chính của chương trình được tăng tốc quyết liệt. Song, TPHCM vẫn còn có nguy cơ không hoàn thành hết chương trình, như huyện Cần Giờ đạt hết mọi chỉ tiêu nhưng còn thiếu 1 trường học; huyện Bình Chánh có khả năng chưa đạt về chỉ tiêu môi trường (di dời các cơ sở gây ô nhiễm)…
Về nhiệm vụ sau năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện chương trình, nhưng sẽ có những thay đổi là phải hướng tới đô thị văn minh. Bởi lẽ, TP.HCM còn 5 huyện và tổng số người làm nông nghiệp chỉ 52.000 người (trong tổng số gần 10 triệu dân thành phố).
“Vậy phát triển kiểu gì, khi đất làm nông nghiệp nhiều nhưng người thì rất ít? Và, cũng trong xu hướng trong 10 năm tới, nhiều huyện như Nhà Bè, Bình Chánh có triển vọng sớm lên quận”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Theo Kiều Phong/Sài Gòn Giải phóng