Chỉ từ tháng 5/2020, hàng loạt dự án lớn, nhỏ xuất hiện tại các tỉnh vùng ven TP.HCM. Thế nhưng, giới quan sát thị trường cho rằng lợi thế và sức hút chỉ nằm ở những khu vực giao thông thuận tiện và giáp TP.HCM.
Dự án rầm rộ đổ bộ
Đầu tiên phải nói tới khu vực Long Thành, tỉnh Đồng Nai nơi mà đang phát triển dự án sân bay Quốc tế Long Thành. Tháng 5 vừa qua, Đất Xanh Group công bố phát triển và bán dự án Gem Sky World với diện tích 92ha, với 4.000 sản phẩm gồm các phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự, shophouse.
Ngoài ra, Công ty Kim Oanh cũng đang phát triển dự án Khu Đô Thị Century City trên diện tích gần 50ha, với hơn 3.000 sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự.
Tại TP. Biên Hòa, Novaland đang phát triển dự án Aqua City với diện tích triển khai giai đoạn 1 là 100ha gồm các sản phẩm nhà phố, biệt thự…
Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group cũng cho biết đang phát triển dự án mang tên Phú Gia Residences tại huyện Nhơn Trạch. Dự án xây dựng trên diện tích hơn 5ha, gồm sản phẩm nhà phố, biệt thự…
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn Hưng Thịnh Corp đang triển khai dự án Hồ Tràm Complex, dự án với tổng quy mô toàn khu lên tới 23ha, trong đó khu cao tầng có diện tích 11,5ha có 7 Block với 4.686 căn hộ, 7,5ha có 60 căn nhà phố thương mại Shophouse và 4ha dành cho khu biệt thự biển.
Ở Bình Dương, Tập đoàn Phát Đạt vừa công bố phát triển dự án mang tên Astral City, dự án với diện tích 3,73ha, gồm 8 tòa nhà cao 40 tầng với 5.200 căn hộ chung cư. Công ty Lê Phong cũng công bố mở bán dự án The Emerald Golf View, dự án với 40 tầng, gồn hơn 1.000 căn hộ chung cư… Ngoài ra, Phú Đông Group cũng đang tiến hành phát triển dự án chung cư với hơn 600 căn hộ cao cấp mang tên Phú Đông 3 tại đường Phạm Văn Đồng, TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Với Long An, thị trường này đang bắt đầu phát triển những dự án mới, Tập đoàn Trần Anh Group công bố 2 dự án mới gồm Phúc An City tại huyện Đức Hòa với diện tích 100ha, gồn nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại và chung cư. Dự án biệt thự sân golf mang tên West Lakes Golf & Villas với hơn 500 sản phẩm.
Công ty Thắng Lợi Group cũng công bố dự án mang tên J-Dragon, dự án có diện tích 5,6 ha tại trung tâm thị trấn huyện Cần Đước, dòng sản phẩm chính là nhà phố, biệt thự.
Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng đang phát triển dự án nhỏ tại các tỉnh lân cận TP.HCM.
Lợi thế thuộc về các dự án kết nối giao thông tốt
GS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM nhận định có thể thấy từ năm 2018 tới nay, khi thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó khăn, các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM bắt đầu dịch chuyển về các tỉnh vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí Bình Phước để phát triển dự án. Sự dịch chuyển đó là tất yếu, mang tính quy luật, dù TP.HCM vẫn hấp dẫn nhưng đã xuất hiện lực đẩy, đẩy dòng đầu tư ra xa vùng trung tâm. Với các nhà đầu tư lớn, họ không tìm thấy các quỹ đất sạch cỡ vài chục hecta tại TP.HCM nữa, trong khi đó, giờ đây nhu cầu phát triển dự án của các doanh nghiệp với các dự án đều phải hàng chục ha, mà nhu cầu này chỉ ở các tỉnh vùng ven TP.HCM mới có được.
“Về các đô thị vệ tinh tôi nghĩ khả năng thành công cao. Trong 5 năm gần đây sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành một cực đối trọng của TP.HCM chứ không phải là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân TP.HCM nữa. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các tỉnh này còn có yếu tố kỹ thuật phù hợp. Chẳng hạn Đồng Nai có sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch… đủ sức hút người về đây”, ông Hoà dẫn chứng.
Đồng quan điểm với ông Hòa, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) còn cho rằng tuy thị trường vùng ven phát triển, nhưng không phải khu vực nào cũng có được lợi thế thu hút nhà đầu tư cũng như khách hàng về mua sản phẩm để sinh sống.
“Có thể nhận thấy những dự án nào có hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM thuận lợi như TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương nơi có trục đường Phạm Văn Đồng kết nối giữa TP. Dĩ An với TP.HCM. Hay như huyện Nhơn Trạch khúc đầu tuyến đường QL 51 nối vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lại thu hút lượng lớn người dân quan tâm mua nhà, còn khu trung tâm của huyện lại ít người quan tâm thị trường tại đây”, ông Châu nói.
Lý do của hiện tượng này được ông Châu lý giải vì giao thông kết nối đóng yếu tố quan trọng của thị trường, chỉ những khu vực nào giao thông kết nối tốt với TP.HCM thì người dân và giới đầu tư sẽ quan tâm nhiều bởi họ có thể di chuyển tốt vào TP.HCM làm việc.
Cũng theo ông Châu, qua các cuộc thăm dò mini của HoREA liên quan đến các dự án vùng ven TP.HCM cho thấy, có khoảng 10% nhu cầu ở thật, còn lại là đầu tư và 10% nhu cầu ở thực đến từ các dự án có vị trí giáp TP.HCM và kết nối giao thông tốt. Và ở các dự án giao thống kết nối xa TP.HCM hầy như là nhà đầu tư thứ cấp mua, và sau khi bán hết hàng thì các dự án bị bỏ hoang không người ở.
“Các đô thị lớn không có người ở, nếu chỉ bán bằng mọi giá để tìm kiếm lợi nhuận sẽ là tai họa cho thị trường. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao lôi kéo được cư dân về ở và việc này đòi hỏi các chủ đầu tư phải có gói giải pháp đồng bộ”, ông Châu nói.
Ông Hòa cũng phân tích thêm, người dân mua nhà đất tại các tỉnh vùng ven không chỉ cần nhà ở mà còn cần tiện ích, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm (bệnh viện), trung tâm mua sắm, chợ, thậm chí là chùa chiền, nhà thờ…
Do đó, chủ đầu tư phải nhận ra rằng họ không chỉ bán căn nhà đẹp hay căn biệt thự có nhiều mảng xanh, sông nước bao quanh mà còn phải “thổi hồn sống” vào khu đô thị, tức là cung cấp các dịch vụ, tiện ích đi kèm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.