Cho dù cách rất xa nhau về cả không gian và thời gian nhưng cả hai câu chuyện ấy đều có chung một mục tiêu là đem lại phồn vinh cho đất nước và chung một cách thức, đó là lấn biển.
Cũng như Việt Nam, Hàn Quốc vốn là quốc gia có thế mạnh về kinh tế biển. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã làm được rất nhiều việc để khai thác thế mạnh ấy, còn Việt Nam ta vẫn được coi là đang ở những bước đi chập chững, tìm tòi…
Về công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc thì hẳn nhiều người đã biết, hiện đứng vào hàng đầu thế giới, còn việc lấn biển thì cũng đã có câu chuyện tựa như huyền thoại, chẳng hạn như đã cho lấp hẳn một cái vịnh lớn nhất quốc gia để thu được 160.000ha đất trồng lương thực của ông chủ Tập đoàn danh tiếng Huyndai, Chung Ju Yung.
Chuyện rằng, Hàn Quốc có một vịnh lớn nhất lúc bấy giờ nằm ở bờ biển phía Tây Nam có tên là Chonshu. Nếu làm được một con đập ngăn nước giữa hai đầu bờ vịnh thì có thể tạo ra một vùng đất trồng trọt màu mỡ khoảng 160.000ha.
Công việc này gần như không tưởng vì hai lẽ, thứ nhất, phải đầu tư một nguồn vốn quá lớn, hàng trăm tỷ won, mà khả năng khai thác chắc chắn không có lời bằng đầu tư vào mảnh đất sẵn có khác nên chẳng ai dại dột gì đầu tư vào đây. Thứ hai là trở ngại về kỹ thuật, vì thủy triều ở đây lên xuống với tốc độ quá mạnh, đặc biệt là khi nước rút, nên việc làm đê chắn gần như không thể thực hiện được.
Thế nhưng Chung Ju Yung vẫn quyết tâm làm cũng chỉ vì hai lẽ, đầu tiên là đất nước Hàn Quốc đang thiếu lương thực, người nông dân thiếu đất trồng cấy, cần phải tận dụng hết khả năng ưu đãi của thiên nhiên để phục vụ sự phồn vinh của đất nước. Sau nữa là thỏa mãn mong muốn cá nhân, vừa thực hiện được mơ ước của mình từ thời hàn vi, biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả California – Nơi sản xuất lương thực lớn nhất của Mỹ, vừa muốn thử thách chính mình.
Công việc không tưởng thứ nhất không có gì đáng ngại bởi với uy tín thành công trước đó của Chung Ju Yung, các ngân hàng và tổ chức tài chính sẵn sàng cùng ông đầu tư vào cuộc đương đầu với thiên nhiên này. Nhưng việc không tưởng thứ hai mới là thách thức có một không hai ở Hàn Quốc trong việc khai hoang lấn biển. Toàn bộ công trình đê dài 6.400m được thi công từ hai đầu vịnh bằng những tảng đá 4 – 5 tấn được đục lỗ xâu lại với nhau bằng dây sắt 2 – 3 tảng một.
Nhưng đến gần 300m cuối cùng thì sức người cùng các trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ dường như bất lực, tốc độ nước lên đến 8m/giây, những tảng đá to như chiếc xe hơi được xâu chuỗi với nhau cứ ném xuống là bị trôi đi mất tăm mất tích.
Công cuộc hàn khẩu con đê chắn sóng Chonshu đứng trước một thất bại thê thảm nếu không có một sáng kiến mới của Chung Ju Yung. Ông chợt nhớ đến con tàu chở dầu cũ được công ty mua của Thụy Điển với giá 3 tỷ won, nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m, đủ để “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Thế là con tàu được kéo đến và đánh chìm tại nơi hàn khẩu.
Chân dung nhà sáng lập Tập đoàn Huyndai Chung Ju Yung và dự án ngăn đập chắn sóng với phương pháp tận dụng tàu chở dầu
Sau 6 năm (1982 – 1988), khu vực khai hoang trên đã trở thành một vùng đất nông nghiệp được cơ khí hóa với quy mô lớn. Ý chí và sự sáng tạo của Chung Ju Yung đã đem lại hiệu quả lớn cho Hàn Quốc về việc mở rộng lãnh thổ, tăng sản lượng lương thực và tạo công ăn việc làm cho 6,6 triệu người.
Qua câu chuyện của ông chủ tập đoàn danh tiếng Huyndai Chung Ju Yung mới thấy, lấn biển không phải là việc để chúng ta phải quá sợ hãi về ảnh hưởng môi trường, mà vấn đề quan trọng là sự trả giá ấy phải phục vụ cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
Còn với công cuộc lấn biển ở Cần Giờ thì sao?
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600ha lên thành 2.870ha. Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Các nguồn thông tin cho hay, dự án nằm ở khu vực biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng khoảng 757ha. Vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km về phía Bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn, nằm kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7km và sông Lòng Tàu là 4,5km; cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17km về phía Tây Bắc và cách khu căn cứ Vàm Sát đảo Khỉ 4km.
Dự kiến, quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 25.000 lao động.
Với lợi thế địa lý ở Cần Giờ, hy vọng rằng, dự án sẽ đem lại cho nền kinh tế đất nước hiệu quả không kém gì câu chuyện lấp vịnh Chonshu của Hàn Quốc
Còn theo chủ đầu tư dự án, dự án sẽ tạo ra quỹ đất đủ lớn, tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, với chức năng đa dạng, dự án sẽ tạo động lực phát triển du lịch vùng và thu hút đầu tư, đủ sức cạnh tranh về du lịch với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới. Và hơn cả, là mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại, tiến ra biển, tạo động lực phát triển cho TP.HCM trong những năm tới. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần tăng không gian xanh, không gian nghỉ ngơi giải trí cho người dân trung tâm, giãn dân, giảm sức ép lên đô thị…
Dự án khi hoàn thành sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách và khoảng 2 – 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP.HCM. Ngược lại, dự án còn giúp tiết kiệm ngân sách trong các hoạt động bảo vệ đê, kè, trồng cây chống xâm thực…
Có thể nhận xét, đây là một dự án lấn biển quy mô nhất, bài bản nhất ở Việt Nam và tại vùng đất nghèo nhất của TP.HCM. Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…
Quả thực, nếu so về quy mô lấn biển lịch sử của Chủ tịch Tập đoàn Huyndai Chung Ju Yung thì công cuộc lấn biển lần này của Việt Nam ở Cần Giờ chẳng thấm tháp gì. Một bên thì lấp hẳn một cái vịnh, hy sinh toàn bộ hệ sinh thái tại đây, còn một bên chỉ là lấn ra biển từ một bãi triều. Một bên là một diện tích khổng lồ 160.000ha, còn một bên vỏn vẹn chưa đến 3.000ha…
Với lợi thế địa lý ở Cần Giờ, hy vọng rằng, dự án này sẽ đem lại cho nền kinh tế đất nước hiệu quả không kém gì họ.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh