Nhịp độ đô thị hóa tại Việt Nam ngày một sôi động, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Cuộc sống “tầng lầu” của cư dân đang dần có những đặc thù riêng và hình thành một nếp sống văn minh, cao cấp hơn.
Những quy định trong nếp sống “tầng lầu”
Giai đoạn 2010 – 2012 chứng kiến sự bùng nổ của các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, cao ốc, chung cư bình dân và cao cấp… tại TP. Hà Nội. Vậy nên, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa, các đơn vị kinh doanh nhà ở là cần chú trọng hơn về cuộc sống sinh hoạt theo chiều thẳng đứng của cư dân .
Hầu hết, các tòa nhà chung cư đều được xây dựng cao từ 10 tầng trở lên, có thang máy chung, khu vực vui chơi giải trí, siêu thị, hầm để xe…
Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng quy định:
Thứ nhất, mọi người cần sử dụng thang máy và các thiết bị sử dụng chung theo đúng mục đích, công năng thiết kế sử dụng.
Thứ hai, trẻ em dưới 12 tuổi khi sử dụng thang máy hoặc công trình phục vụ chung phải có cha, mẹ hoặc người trông coi đi kèm và giám sát.
Tiếp đó, người ở không được làm hư hỏng hoặc có hành vi vi phạm đến tài sản chung của nhà chung cư và không được chiếm dụng, sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung, sử dụng chung vào mục đích riêng.
Thứ tư, cư dân không được để các vật dụng thuộc sở hữu riêng tại phần sở hữu chung và phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc dừng, đỗ xe tại nơi được dừng, đỗ xe theo quy định. Đồng thời, mọi người phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy của nhà chung cư…
Có thể thấy, sự hiện đại hóa và tiện ích của chung cư đã thu hút được phần lớn cư dân chọn đó làm nơi “an cư lạc nghiệp”. Với mức giá từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng một căn hộ chung cư, mỗi người dân có thu nhập khá đều có thể mua nhà.
Hình ảnh một chung cư nằm trên đường Nguyễn Xiển. (Ảnh: Thanh Hương)
Chị Phương Anh sống tại khu chung cư trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy sống ở chung cư khá tiện lợi vì dịch vụ tốt và sự văn minh trong văn hóa ứng xử”. Bởi vậy, khi mọi người chọn việc sẽ sống tại các khu chung cư đôi khi không nghiêm ngặt quá nhiều tới vấn đề chỗ ở đó mới hay cũ, cao cấp hay bình dân… mà ở cách cư xử, hành vi văn hóa của mỗi cư dân ở đó ra sao và họ sống với nhau như thế nào?
Nhưng, bên cạnh đó cũng có những bất cập như công tác phòng cháy chữa cháy sẽ bất tiện và khó khăn, ví như câu chuyện thang máy chung nhưng lại trở thành nơi vui chơi của một số trẻ nhỏ, thang máy đông nghẹt người vào giờ cao điểm và đôi khi là những bất tiện trong vấn đề đi lại.
Hay những sự việc “cười ra nước mắt” khi một số đồ vật riêng nơi cửa nhà bất ngờ “bặt vô âm tín”, rác, vỏ chai nhựa, phế thải sửa chữa, xây dựng nằm ì ở lối đi chung nhưng không có người dọn bởi nhiều người nghiễm nhiên coi đó là công việc của lao công.
Phép so sánh giữa nếp sống đô thị và làng xã
Sự chênh lệch giữa hình ảnh của các tòa chọc trời với những ngôi nhà thấp tầng. (Ảnh minh họa)
Vốn là một đất nước mang truyền thống văn hóa làng, xã, người Việt Nam quen với nếp sống nhà thấp tầng theo chiều ngang dài, chiều rộng sâu và hiển nhiên chưa có thói quen ở nhà cao tầng theo chiều dọc cũng như chiều thẳng đứng cao chót vót. Đó là những biểu hiện của quá trình đô thị hóa tăng tốc, điển hình là tại TP. Hà Nội.
Lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa phong phú đã giúp Hà Nội có được kiến trúc đa dạng và mang dấu ấn riêng. Nhưng sau một thời gian phát triển thiếu quy hoạch, thành phố hiện nay tràn ngập những ngôi nhà ống trên các con phố vòng vèo, những cao ốc bên các khu phố cũ, những khu đô thị mọc lên như nấm và cả những khu chung cư cao trọc trời để rồi thiếu vắng không gian công cộng.
Nếu ở làng, xã hầu hết là người cùng địa phương và sống ở những ngôi nhà “dưới đất”. Cuộc sống khi ở nhà thấp tầng, những người dân họ sống theo nếp “tối lửa tắt đèn có nhau” và cùng với đó là sự tự do trong lối ứng xử văn hóa riêng thì khi chọn sống ở các khu chung cư, sẽ là sự hòa lẫn của những con người với nhiều bản sắc văn hóa, cá tính riêng biệt.
Khi sống trong một tập thể chung mỗi người lại có một tính cách riêng, một giờ giấc sinh hoạt, một thói quen riêng thì cái tổng hòa chung sẽ ra sao? Ắt hẳn, sẽ là sự khập khiễng, thiếu đồng điệu và tất yếu dẫn đến những “đụng độ” về văn hóa chung cư.
Dù là lớp trẻ hiện đại và lựa chọn một căn hộ chung cư nhưng chị Phương Anh cũng không ít lần cảm thấy “bất lực” về những bất tiện. “Khu chung cư tôi ở có 12 tầng, do độ cách âm của mỗi nhà không tốt nên nhiều khi âm thanh của phòng bên cạnh khiến cho tôi bị ảnh hưởng nhiều. Cũng như việc giờ giấc sinh hoạt của mỗi người không giống nhau nên có khi giờ tôi đi ngủ lại là giờ họ bắt đầu hát hò”, chị Phương Anh giãi bày.
Đô thị hóa là cần thiết, sự phát triển của chung cư cao tầng và cuộc sống văn minh, văn hóa “thẳng đứng” là những hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những cuộc “đụng độ” thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền, đó là ban quản lý nhà ở chung cư, sớm có những giải pháp để khắc phục kịp thời mặt hạn chế, yếu kém tại đây.
Cùng với đó, mỗi hộ dân, cá nhân khi chọn cuộc sống tập thể cần phải tự có ý thức trách nhiệm cho mỗi hành động và việc làm của mình để không ảnh hưởng và không mang những thói quen của nếp sống “dưới đất” vào nếp sống “trên lầu”.
Thanh Hương