Nhờ có Thông tư 01 cho phép dư nợ cơ cấu lại vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn, không phải trích lập dự phòng, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh.
“Nhóm ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 4,9% so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của Covid-19” là lời giới thiệu trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của 18/19 ngân hàng niêm yết do FiinGroup vừa công bố.
Nhóm nhà băng này hiện chiếm 63,2% dư nợ toàn hệ thống và 98% vốn hóa của khối ngân hàng trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM.
Nhận định này đã quay ngược 180 độ so với dự báo của giới phân tích chứng khoán. Trước đó, lợi nhuận trước thuế của nhóm ngành này được dự báo giảm 11,9% khi các nhà băng đều đưa ra kế hoạch kinh doanh rất bi quan trong tâm điểm của dịch bệnh. Các dữ liệu mới được hãng nghiên cứu phân tích dựa trên kế hoạch kinh doanh xây dựng bởi ban lãnh đạo của chính những ngân hàng này.
Theo FiinGroup, dù chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch Covid-19 dẫn tới việc phải cơ cấu lại lượng lớn dư nợ, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao quý II. Trong đó, có 5 ngân hàng tăng trên 20%, gồm VIB (41%), HDBank (40%), Vietinbank (39%), TPBank (30%) và VPBank (43% – theo báo cáo tài chính quý II).
Hầu hết ngân hàng kể trên đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank đang là “ngôi sao” trong việc triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh ghi nhận tăng trưởng tín dụng chậm lại thì nhóm tư nhân mạnh về bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt như TPBank (11%), VIB (6%), MBBank, VPBank (5%) và Techcombank (4,8%) so với đầu năm.
Một số ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank) đã thận trọng không đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch năm mà sẽ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong 8 ngân hàng đã đưa ra kết quả kinh doanh ước tính, 5 trong số này đã thực hiện được trên 50% kế hoạch năm gồm VPBank (58,7%), VIB (55,6%), ACB (52,4%) và MBBank, SHB (khoảng 50%).
Ngoài MBBank và SHB ghi nhận lợi nhuận quý II giảm nhẹ, lợi nhuận các ngân hàng đã công bố đều tăng trưởng tốt trong quý và nửa đầu năm so với cùng kỳ 2019.
Ước tính cả năm 2020, các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 4,9% so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính các ngân hàng công bố cho thấy xu hướng lợi nhuận tăng thêm không đến từ tăng thu nhập lãi mà do giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Như VPBank, nhà băng này ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý II đạt 43%, tương đương 1.113 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, phần tăng đến từ thu nhập lãi thuần chỉ là 274 tỷ, chiếm tỷ trọng 3,7% trong số tăng.
Trong khi đó, riêng phần lợi nhuận tăng thêm từ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã là 546 tỷ đồng (17%), đóng góp lớn nhất vào số lợi nhuận tăng thêm của ngân hàng. Khoản này cộng với số giảm chi phí hoạt động 488 tỷ đồng (16%) là 2 chỉ số tài chính tác động lớn nhất tới tăng trưởng lợi nhuận tại VPBank quý II vừa qua.
Tính trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 18.854 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế là 6.585 tỷ đồng, tăng 52%.
Tương tự là trường hợp Saigonbank, trong khi tín dụng tăng trưởng âm, ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động nửa đầu năm đạt 390 tỷ đồng, tăng gần 12%. Chi phí hoạt động tăng gần 10% nhưng lợi nhuận trước thuế tại đây vẫn tăng tới 42%, đạt 125 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 77 tỷ đồng đã cao gấp 4,3 lần cùng kỳ.
Trong đó, số tăng thêm chủ yếu đến từ chi phí dự phòng rủi ro giảm 86% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh nhờ cách hạch toán quy định tại Thông tư 01 của NHNN. Ảnh: Hoàng Hà.
Xu hướng này cũng được các chuyên gia tại FiinGroup lý giải, theo đó, triển vọng lợi nhuận tốt của ngành ngân hàng trong quý II có nguyên nhân từ quy định hạch toán đối với dư nợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Thông tư 01 của NHNN.
Theo đó, dư nợ được cơ cấu lại theo thông tư này vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn, và không phải trích dự phòng. Điều này giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở nhiều ngân hàng thấp hơn dự báo, dẫn tới lợi nhuận tăng.
“Khi các chính sách này thay đổi, sự tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng sẽ được phản ánh”, báo cáo cho biết.
Bên cạnh việc duy trì lợi nhuận tín dụng từ danh mục dư nợ cũ thay vì dư nợ mới đang tăng trưởng rất chậm, các ngân hàng cũng tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Đặc biệt là đầu tư và kinh doanh trái phiếu, nhờ vào mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức thấp.
Theo báo cáo này, tác động của Covid-19 đối với chất lượng tín dụng và lợi nhuận của ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ.
Trong giai đoạn khủng hoảng 2008 trước đó, chi phí dự phòng ngân hàng có độ trễ khoảng 4 quý (cả việc thông qua cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC).
Vì vậy, chi phí dự phòng cho chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được các nhà băng phẩn bổ vào các quý trong tương lai và tùy theo thay đổi của chính sách hạch toán các ngân hàng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng không chuyển nhóm nợ đồng nghĩa với việc dồn rủi ro tín dụng về tương lai.
“Một số quốc gia cũng áp dụng biện pháp tương tự như vậy, nhưng chỉ trong những tình huống rất đặc biệt. Với các ngân hàng tại Mỹ, chưa bao giờ có trường hợp chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ”, ông nói.
Việc này sẽ làm bức tranh tài chính của ngân hàng tươi đẹp hơn so với thực tế.
Bức tranh tài chính ngành ngân hàng đang đẹp hơn so với thực tế.
Việc không chuyển nhóm nợ có kết quả tích cực với các ngân hàng vì chất lượng tài sản không bị xấu đi và không phải trích lập dự phòng rủi ro. “Vì vậy làm tăng lợi nhuận”.
Về phía doanh nghiệp, cách hạch toán này cũng giúp doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ, không gặp khó khăn khi đi vay thêm, và không bị tăng lãi suất trên phần dư nợ mới phát sinh.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng điều này cũng đi kèm một phần lợi nhuận ảo vì rất nhiều doanh nghiệp thực tế đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, có trường hợp không thể trả được nợ.
Trong trường hợp doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ có thể hoạt động kinh doanh bình thường sau dịch sẽ không có rủi ro xảy ra. Nhưng nếu sau dịch, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, khi đó các ngân hàng sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phần dư nợ đã cơ cấu.
“Doanh nghiệp khi đã vướng phải khó khăn thường cần một thời gian rất dài để phục hồi. Trong vòng 1 năm (theo thời gian được cơ cấu nợ – PV) rất khó để doanh nghiệp phục hồi nguyên trạng”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không nên nhìn kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng mà vui mừng. Nguyên nhân do hầu hết ngân hàng đều chưa trích lập đủ dự phòng cho cả năm.
“Thông thường, theo chu kỳ kinh doanh, các ngân hàng thường trích lập dự phòng rủi ro vào gần cuối năm và khi đó số liệu mới phản ánh đúng, đầy đủ hơn về mức độ lợi nhuận của ngân hàng trong năm”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng có độ trễ hơn so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp, khách hàng, người dân sẽ chịu khó khăn ngày khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau đó. Như vậy, đến quý III và IV ngành ngân hàng sẽ “ngấm” hơn tác động của dịch, thách thức, khó khăn sẽ cao nhất là vấn đề nợ xấu.
Một chuyên gia khác (đề nghị giấu tên) cho rằng, không sớm thì muộn các ngân hàng vẫn sẽ phải trích lập dự phòng với các khoản dư nợ không đủ tiêu chuẩn trong tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01.
“Hiện NHNN cho phép không chuyển nhóm nợ với dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01, nhưng khi hết thời hạn, các ngân hàng sẽ phải hạch toán lại phần dư nợ này theo đúng tiêu chuẩn hiện hành”, vị chuyên gia phân tích thêm, việc không phải trích lập ngay với phần dư nợ ảnh hưởng bởi dịch sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng trích lập dần trong tương lai.
Thay vì phải trích lập ngay với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch khó có khả năng thu hồi, các ngân hàng được phép giãn thời gian này. Các ngân hàng có thể phân bổ dần khoản trích lập nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ đúng quy định.
“Điều này có lợi cho hệ thống ngân hàng khi không phải chịu áp lực trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và dành nguồn lực trước mắt để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hầu hết chuyên gia và nhà đầu tư tin rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần tới (20-26/7), nhưng không loại trừ khả năng vàng sẽ chịu áp lực chốt lời và bị bán tháo.
Từng nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản và lợi nhuận lớn nhất năm 2012, tuy nhiên, Eximbank đã tỏ ra hụt hơi so với các ngân hàng cùng quy mô nhiều năm.