Từ ngày 9/7 lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại lại tiếp tục giảm thêm. Như vậy, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 7, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm tới 2 lần, với mức giảm trung bình từ 0,5-1%/năm. Tại sao lãi suất lại giảm nhanh và mạnh ở thời điểm hiện tại?
Các ngân hàng thương mại tiếp tục có một đợt hạ lãi suất mới, trong khi trước đó 2 tuần đã có một đợt giảm lãi suất khá sâu.
Cụ thể, từ ngày 9/7, Techcombank sẽ giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 0,25%/năm. Mức lãi suất mới áp dụng là 3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 2 tháng là 3,1%. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng áp dụng mức lãi suất 3,2%/năm.
Với các kỳ hạn trung và dài hạn ngân hàng này áp dụng mức lãi suất dao động từ 4,8% tới 5,7%/năm.
Với nhóm Big 4 gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank lãi suất hiện dao động từ 3,7 – 4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 – 5 tháng; lãi suất từ 4 – 4,5%/năm cho tiền gửi 6 tháng đến dưới 12 tháng và từ 12 tháng trở lên là 5,7 – 6,1%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn khá nhiều với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4,25% cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Nói về nguyên nhân và dự báo xu hướng lãi suất thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng có quá nhiều dư địa để giảm lãi suất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
Theo đó, hiện nay ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn nhiều vì tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái nên các ngân hàng chỉ huy động cầm chừng để giữ khách hàng và để dự trữ khi nền kinh tế bật dậy trong những tháng tới. “Với điều kiện thanh khoản tốt, tiền dồi dào, ngân hàng không cho vay được nhiều thì giảm lãi suất là đương nhiên”, ông Hiếu nói.
Dự báo đường đi của lãi suất ngân hàng trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, không những không có áp lực để tăng mà còn có áp lực giảm lãi suất để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ 1-1,5% ở cả đầu huy động và cho vay.