Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Xu hướng giảm lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động tiếp tục được nhiều TCTD đẩy mạnh ngay từ đầu quý 3/2020 để tiếp tục giảm lãi suất cho vay”.
Báo cáo công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, mở rộng tín dụng lành mạnh theo định hướng đặt ra, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020
NHNN đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất điều hành. So với đầu năm, lãi suất điều hành giảm 1 đến 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,6-0,75%/năm, trần lãi suất cho vay VND các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm (hiện 5%/năm).
“Xu hướng giảm lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động tiếp tục được nhiều TCTD đẩy mạnh ngay từ đầu Quý 3 để tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2020, để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư 01 với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý rộng để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng (cơ cấu lại nợ gốc và lãi, không chuyển nợ xấu, không bị tính lãi phạt, miễn giảm lãi, phí, tiếp tục được vay vốn sản xuất kinh doanh).
NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các TDTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để hỗ trợ hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, NHNN đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 sau hơn 3 tháng triển khai với một số nội dung cơ bản là mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN đã thực hiện tốt việc điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, củng cố dự trữ ngoại hối; Thực hiện phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với Chính sách tài khóa và các chính sách khác; Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; Việc cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu tiếp tục được quyết liệt triển khai…
Góp ý về công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá trong nửa cuối năm 2020 và những năm tiếp theo 2021, 2022, các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các nước đang thực hiện chính sách kích thích kinh tế cả về tài khóa và tiền tệ, tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, tài chính tiền tệ…”Nếu xảy ra cuộc khủng hoảng này để nền kinh tế thế giới lún sâu và Việt Nam là nước hội nhập nên cần phải đưa cảnh báo này trong điều hành chính sách”.