“Hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Chính sách ưu việt, đảm bảo an sinh xã hội
Trả lời báo chí trước thềm Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ cho rằng: Trong suốt 30 năm đổi mới, hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Có thể khẳng định đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Việc vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.
Đến tháng 10 năm 2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt trên 212 nghìn tỷ đồng (tương đương xấp xỉ 10 tỷ đô); dư nợ tín dụng của NHCSXH đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ đô).
“Có thể nói rằng, với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự cố gắng hết sức, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta. Đến nay, đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ NHCSXH; trong đó có hơn 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Đến nay, trên 3,3 triệu hộ gia đình của Việt Nam thông qua tín dụng của NHCSXH đã được sử dụng nước sạch và nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Trong đó, 125 nghìn lượt hộ được vay vốn của NHCSXH để xây dựng nhà ở; tới 315 nghìn lượt HSSV được vay vốn NHCSXH để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; hơn 1 triệu lượt người được vay vốn NHCSXH để tạo công ăn việc làm cũng như 21 nghìn lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá: Tất cả những con số đó đã nói lên hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta.
Trong suốt quá trình phát triển của hoạt động tín dụng chính sách, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng chính sách. Với mục đích đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 nhằm kêu gọi sự vào cuộc, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị toàn xã hội trong việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách.
Đến nay, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, chúng ta cũng đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77 nghìn tỷ đồng; trong đó từ ngân sách Nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11 nghìn tỷ đồng và từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh của Nhà nước đạt trên 41 nghìn tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21 nghìn tỷ đồng.
“Những con số đó đã thể hiện sự vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 40 của Ban Bí thư”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, sau 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư trong hệ thống Hội thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, phụ nữ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách thuận tiện, giảm tình trạng cho vay nặng lãi, bảo toàn nguồn vốn của nhà nước ở mức độ cao, đóng góp tích cực vào chủ trương tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội của Đảng.
Nhiều người dân khi nhắc đến chính sách này của Nhà nước cũng không giấu được niềm vui. Ông Lưu Quang Bông, Xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chia sẻ: Bốn đứa con chúng tôi nhận thức rằng gia đình khó khăn cho nên là ham học, 3 cháu đậu đại học còn 1 cháu học sư phạm mầm non. Nếu không có Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên dân tộc thì gia đình chúng tôi không đủ điều kiện nuôi con.
Người dân cần nguồn vốn vay ưu đãi để ổn định cuộc sống.
Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Chuyền, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội cho rằng: Nhà nước đầu tư cho vay nguồn vốn này rất tốt, giúp đỡ bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế hơn, kinh tế gia đình tang cao hơn. Tôi cũng mong Nhà nước cho bà con vay thêm một số nguồn vốn nữa để bà con đầu tư thu nhập cao hơn.
Hiện nay, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Tái nghèo luôn rình rập bởi thiên tai, lũ lụt. Nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho giảm nghèo đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực nhưng còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Chính vì vậy, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực từ con người đến nguồn vốn không chỉ của địa phương mà của cả doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
H.Nam