Mua nhà giấy tay: Hiểm họa khó lường; Giá vàng biến động quá nhanh, lãi suất tiền gửi giảm mạnh, BĐS càng lên ngôi; Cải tạo chung cư cũ: Coi chừng đất vàng bị đánh cắp… là tin nóng 24h qua.
Mua nhà giấy tay: Hiểm họa khó lường
Tranh chấp phát sinh từ việc mua bán bằng giấy viết tay, nhà đất không đủ điều kiện làm giấy tờ hợp pháp ngày càng nhiều và phức tạp.
Thực tế, tranh chấp phát sinh từ việc mua bán bằng giấy viết tay, nhà đất không đủ điều kiện làm giấy tờ hợp pháp; thậm chí bên thứ ba nhảy vào tranh giành xuất hiện ngày càng nhiều.
Điển hình như vụ 15 hộ gia đình đang cư ngụ trên mảnh đất rộng gần 850 m2 tại ấp 2C, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM hơn 12 năm qua đang đối mặt với nỗi lo mất nhà vì mua bán bằng giấy tờ tay.
Luật sư Nguyễn Đức Huy (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng tranh chấp phức tạp như vậy không phải là hiếm ở những khu vực một thời mua bán nhà đất tấp nập bằng giấy tờ tay, vi bằng.
Nêu quan điểm về những giao dịch liên quan đến giấy tờ viết tay, nhiều bên tranh giành một tài sản, luật gia Phan Văn Thanh nhận xét việc xác định hiện trạng tài sản trước khi ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu rất quan trọng. Như vụ rắc rối ở xã Vĩnh Lộc B, nếu xác minh hiện trạng thực tế trước khi đồng ý cấp giấy tờ đất thì cơ quan chức năng biết rõ tình trạng khu đất trên, từ đó có phương án xử lý, ngăn chặn tranh chấp. Về phía người dân, luật gia Phan Văn Thanh nhấn mạnh quy định pháp luật liên quan đến đất đai ngày một chặt chẽ so với nhiều năm trước. Cách lách luật bằng mua bán đất bằng giấy tay rồi xây nhà ở, sau đó mới xin cấp giấy tờ đã phát sinh nhiều rắc rối về sau, không nên ham rẻ để rước rủi ro.
Giá vàng biến động quá nhanh, lãi suất tiền gửi giảm mạnh, BĐS càng lên ngôi
Bản tin thị trường tiền tệ tuần 29/6 – 3/7 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố cho hay, tuần qua, thị trường mở và thị trường liên ngân hàng vẫn khá bình lặng dù bước qua thời điểm chốt quý quan trọng. Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm ròng 1 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm. Lãi suất đi ngang trên liên ngân hàng giữ ở mức 0,21%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,3%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Trên thị trường 1, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi từ 0,1 – 0,9 điểm phần trăm tùy từng kỳ hạn kể từ 01/7/2020. Đi đầu là 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước với mức giảm 0,25 – 0,3 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Một số ngân hàng có mức giảm lớn hơn là TCB, ACB, TPB… Các ngân hàng thương mại huy động lãi suất cạnh tranh (VPB, SHB, HDB…) cũng giảm từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm. Đây là đợt giảm lãi suất mạnh nhất và tiếp nối đà giảm từ cuối năm 2019 đến nay.
Khi kênh đầu tư như vàng hay tiền gửi tiết kiệm đang không còn hấp dẫn vì tính sinh lời thấp cũng như rủi ro trong lướt sóng, bất động sản tiếp tục được ghi nhận là nơi trú tiền an toàn.
Sau thời gian cách ly xã hội, bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và phát triển. So với quý I, mức độ quan tâm của người tìm kiếm bất động sản tăng 7% trên khắp cả nước. Nhu cầu cho thuê và bán nhà riêng tại Hà Nội cũng tăng cao sau Covid-19, lượng tin đăng bán nhà riêng tăng 18% và cho thuê nhà riêng tăng 11% theo quý. Sự phục hồi của thị trường bất động sản càng gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Thị trường Hà Nội sẽ dồi dào nguồn cung bất động sản vào nửa cuối năm 2020
Dự báo của CBRE, nửa cuối năm 2020, thị trường Hà Nội sẽ cực kỳ sôi động khi đón nhận một nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản nhà ở chung cư, văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cùng với xung đột thương mại Mỹ – Trung, và các căng thẳng địa chính trị khác, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành Bất động sản.
Theo báo cáo quý II/2020 vừa được công bố của CBRE Việt Nam, tại thị trường nhà ở chung cư, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường Hà Nội ghi nhận 7.200 căn mở bán mới, giảm 65% theo năm. Trong đó, ghi nhận 5.600 căn mở bán. Mặc dù, nguồn cung giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước do những gián đoạn của dịch Covid-19 xong số căn mở bán trong quý II vẫn gấp hơn 3 lần so với quý trước cho thấy sự phục hồi của các hoạt động bán hàng. Theo phân khúc, 88% số căn mở bán mới đến từ phân khúc trung cấp, phần còn lại là các sản phẩm cao cấp.
Báo cáo của CBRE cũng cho thấy, sau khi giãn cách xã hội kết thúc vào ngày 23/4, các doanh nghiệp đã dần quay lại trạng thái làm việc bình thường. Các trung tâm mua sắm cũng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên thời gian mở cửa còn hạn chế tại một số dự án. Cả chủ nhà và khách thuê vẫn đang rất thận trọng trong hoạt động kinh doanh, các biện pháp quản lý vệ sinh và an toàn vẫn được áp dụng triệt để dù tình hình kiểm soát dịch bệnh tương đối khả quan.
Về nguồn cung thị trường bán lẻ, tại Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay. Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại khu vực trung tâm ghi nhận tăng 2,5% so với cùng kỳ và không thay đổi theo quý, đạt USD 98,1/m2/tháng. Với lợi thế về vị trí và nguồn cung mới hạn chế, khu vực trung tâm ghi nhận kết quả hoạt động lạc quan hơn so với các cụm bán lẻ khác. Tỷ lệ trống tiếp tục ở mức thấp dưới 1%.
Ngược lại, hoạt động tại khu vực ngoài trung tâm ghi nhận một số điều chỉnh giảm, do một số dự án đưa ra mức giá chào thuê thấp hơn. Giá chào thuê tầng trệt và tầng một trung bình đạt USD 24,7/m2/tháng, giảm 0,7% theo năm và 0,5% theo quý. Tỷ lệ trống đạt 9,78%.
Cải tạo chung cư cũ: Coi chừng đất vàng bị đánh cắp
Cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng trước năm 1994 nhưng chưa được cải tạo. Đây là nơi sinh sống của hơn 100.000 hộ dân, trên tổng diện tích tương đương hơn 3 triệu m2. Hà Nội và TP. HCM là hai điểm nóng về cải tạo chung cư cũ khi có số lượng chung cư còn tồn chưa cải tạo lớn nhất cả nước lần lượt là 1.579 và 570 chung cư.
Dù các chung cư cũ nhếch nhác, nguy cơ mất an toàn cao, nhưng việc cải tạo ngay tại khu vực nội thành Hà Nội hầu như dậm chân tại chỗ. Tại những vùng xa trung tâm như quận Hà Đông, việc cải tạo chung cư cũng không dễ. Đơn cử, sau gần 4 năm kể từ khi có chủ trương, Dự án cải tạo khu nhà tập thể 3 tầng “chờ sập” tọa lạc trên khu đất “vàng” đường Lê Hồng Phong (Hà Đông) vẫn chưa thể bấm nút khởi công.
PGS – TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn thu từ đất đang bị thất thoát do việc định giá đất còn sai số. Với không ít địa phương, thu từ đất hiện chiếm trên dưới 10% thu ngân sách địa phương, song thường bị thất thoát khi chuyển mục đích sử dụng đất, khi chuyển công năng sử dụng công trình xây dựng gắn liền với đất tại dự án theo hình thức BT…
Phát triển công trình bền vững ứng phó với những thách thức của thời đại
Theo số liệu nghiên cứu thị trường được công bố bởi Statista (Cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), chỉ trong năm 2018, ngành Xây dựng đã tiêu thụ khoảng 36% tổng năng lượng toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng văn hoá, ngành Xây dựng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thức hơn trong tương lai. Cụ thể, có 3 thách thức cơ bản được đặt ra.
Theo báo cáo Every Breath We Take: The Lifelong Impact of Air Pollution được công bố tại hội nghị COP21, hàng năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà, nơi họ dành 90% thời gian sinh sống. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu đã trở thành một phép thử nhạy bén và hiệu quả chứng minh tầm quan trọng của chất lượng không gian sống và các trọng tâm về sức khoẻ trong công trình.
Vì vậy, thách thức đầu tiên cần xét đến là làm thế nào để công trình đảm bảo an toàn và tối ưu hoá tiện nghi cho người sử dụng trước các vấn đề môi trường, khí hậu cùng với những thay đổi trong vận hành và phát triển của xã hội ngày này.
Đối với các yếu tố về mặt tiện nghi sinh học, nếu một công trình cung cấp không gian sống với chất lượng không khí kém, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, các mức độ cấp khí tươi, chống ồn và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thấp… sẽ gây ra những cản trở, bất lợi thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khoẻ của người sử dụng.
Thùy Anh (tổng hợp)