Theo đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 – 2030” Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM, trong 10 năm tới, TP không khuyến khích đẩy mạnh phát triển nhà ở thấp tầng, nhất là ở khu vực nội thành để có thêm quỹ đất làm hạ tầng.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88%, còn lại là căn hộ chung cư. Tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây dựng rất lớn nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng.
Cụ thể, trung bình 5 năm, dân số TP.HCM tăng 1 triệu người. Hiện TP.HCM có khoảng 13 triệu người đang sinh sống, làm việc thường xuyên (chưa kể một lượng lớn dân vãng lai đến du lịch, học tập, khám chữa bệnh). Tỷ trọng của dân số cơ học tăng thêm tại khu vực nội thành phát triển là 54,5% và ngoại thành là 42%.
Trong đề án này, Sở Xây dựng đưa ra giải pháp hạn chế phát triển nhà ở thấp tầng, nhất là trong nội thành và khuyến khích làm chung cư cao tầng ở khu vực vùng ven. Trong 10 năm tới, TP.HCM không khuyến khích đẩy mạnh phát triển nhà ở thấp tầng để tận dụng quỹ đất làm nhà ở cao tầng hiện đại, làm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm đáp ứng về số lượng và tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở mới, đáp ứng về chỉ tiêu hạ tầng.
Quan điểm của TP là chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại, tăng tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới. Để làm được điều này, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM nhiều giải pháp; trong đó TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê, mua. TP.HCM sẽ triển khai các chính sách khuyến khích làm các dự án nhà giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của đối tượng có thu nhập thấp, nhất là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời, tái định cư hoặc các hộ gia đình trong các chung cư cũ, hư hỏng nặng. Đẩy mạnh và phát triển hạ tầng giao thông để kết nối các đô thị vệ tinh, đường vành đai…
Đồng tình với quan điểm này của Sở Xây dựng TP.HCM, kiến trúc sư Trần Tuấn cho rằng hiện nay tỷ trọng nhà thấp tầng so với nhà cao tầng đang quá cao, chiếm hơn 88%. Tại các quận nội thành, kể cả ở các quận huyện vùng ven nhà thấp tầng san sát, xây dựng theo vết dầu loang mà không theo một quy hoạch nào.
“Đi máy bay, từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy ngổn ngang nhà thấp tầng, trải dài vô tận. Trong khi đó, quỹ đất của TP hiện không còn nhiều. Điều đặc biệt nguy hiểm là khi cho nhà thấp tầng xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch sẽ khiến quỹ đất sử dụng vô cùng lãng phí, không còn để dành cho phát triển hạ tầng như cầu đường, công viên, bệnh viện, trường học và các tiện ích phục vụ người dân”, ông Trần Tuấn nói và cho biết thêm ở các quận, huyện ngoại thành dù mới phát triển, có nhiều cơ hội để quy hoạch và thực hiện bài bản nhưng đáng tiếc hiện nay cũng phát triển tự phát, khó kiểm soát. Điều này khiến việc chỉnh trang đô thị, xây dựng mới hạ tầng gặp nhiều khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng, thậm chí rất khó thực hiện vì nhà thấp tầng quá nhiều khiến chi phí đền bù quá lớn, nhà nước không thể làm nổi, doanh nghiệp cũng không dám tham gia.
“Không chỉ TP.HCM, ở Hà Nội Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND TP.Hà Nội chủ trì, nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại trong các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng… Đây là xu hướng tất yếu để xây dựng một TP hiện đại và sử dụng quỹ đất hiệu quả”, kiến trúc sư Trần Tuấn cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết luật Nhà ở năm 2005 quy định “cứng” tỷ lệ nhà cao tầng tại TP.HCM và Hà Nội phải chiếm tối thiểu 60%. Quy định này quá khó thực hiện, nên luật Nhà ở năm 2014 sửa lại là chủ yếu phát triển nhà cao tầng thay vì quy định luôn tỷ lệ 60%. Trong khi đó, luật Đất đai cũng quy định sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Muốn làm được điều này, phải phát triển nhà cao tầng. Tại Hà Nội và TP.HCM, các quận nội thành mật độ dân cư rất đông, nhất là khu trung tâm TP.HCM (khu 930 ha) phải kiểm soát chặt”.
Đình Sơn