Nhiều hộ dân không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng lại trúng lớn khi nhà trong hẻm sau một đêm bỗng án ngữ mặt đường trên những tuyến phố lớn.
Nhà đất mặt đường Trường Chinh, Hà Nội tăng giá trị nhiều lần ngay sau khi có dự án làm đường trên cao, mở rộng đường, hè
Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án giao thông trong đô thị, gấp nhiều lần chi phí xây lắp dự án. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không nằm trong phạm vi GPMB lại trúng lớn khi nhà trong hẻm sau một đêm bỗng án ngữ mặt đường trên những tuyến phố giá đất lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Sau một đêm ngủ dậy thành đất mặt tiền
Cuối tháng 6/2020, khảo sát của PV tại đường Ô Chợ Dừa – cung đường từng được mệnh danh là đường “đắt nhất hành tinh” cho thấy, đà tăng giá nhà đất ở đây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo chị Hoa, chủ một cửa hàng trên đường Ô Chợ Dừa, trước đây, tuyến phố này chỉ là con ngõ nhỏ, nhà cửa san sát, chẳng người nào đến hỏi mua. Song, từ năm 2010 tuyến đường được đầu tư mở rộng, giá đất tăng vùn vụt.
“Thời điểm năm 2017, giá đất tại khu vực này khoảng 300 triệu đồng/m2, đến nay, có những nhà đang rao bán đến 400 – 500 triệu đồng/m2”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, ngay khi dự án đầu xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng được triển khai, giá đất trên tuyến đường Minh Khai cũng đang tăng một cách chóng mặt.
Bà Lê Thị Thơm, một người dân sống trong ngôi nhà đầu ngõ Hòa Bình sắp phải di dời để phục vụ công tác GPMB dự án cho biết, nếu trước thời điểm tuyến đường khởi công, giá đất mặt đường Minh Khai chỉ khoảng 180 – 200 triệu đồng/m2, nhà trong ngõ khoảng 150 triệu đồng/m2 thì hiện tại, giá trị mỗi m2 đất tại đây lên tới 300 – 320 triệu đồng/m2.
Theo bà Thơm, giá đất thực tế rất cao và liên tục gia tăng, song những hộ dân trong diện GPMB lại được bồi thường chi phí rất thấp theo các mức: Loại 1 là 91,8 triệu/m2, loại 2 hơn 50 triệu/m2, loại 3 hơn 40 triệu/m2.
“Điều đó dẫn đến bấp cập là các hộ nhà mặt đường chịu thiệt rất lớn khi phải di dời giải tỏa để thi công dự án với mức nhận đền bù chỉ bằng 1/3 giá trị thực tế, trong khi các nhà trong ngõ không phải giải tỏa bỗng nhiên sau một đêm được ra mặt đường, hưởng lợi cả về lợi thế kinh doanh lẫn giá nhà đất”, bà Thơm chia sẻ.
Tại khu vực phía Nam, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi từng được xem là con đường “ngoại giao” của TP HCM bởi tuyến chạy thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố. Năm 2005, TP đã bỏ ra 852 tỷ đồng để mở rộng đoạn đường có chiều dài 3,8km (từ đường Trường Sơn đến đường Điện Biên Phủ).
Đáng nói, trong tổng mức đầu tư 852 tỷ đồng của dự án, chi phí đền bù giải tỏa lên tới hơn 778 tỷ đồng. Đường mở rộng, những người dân trong hẻm sâu bỗng nhiên được đổi đời vì nhà được ra mặt tiền. Giá đất trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lúc đó chỉ vài chục triệu đồng/m2, đến nay đã vọt lên tới 360 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cảm thấy rất xót xa khi thành phố đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm đường nhưng lại không thu được đồng nào từ giá trị gia tăng của đất dọc 2 bên tuyến, mà chênh lệch địa tô chủ yếu rơi vào tay người dân, nhà đầu tư.
Dẫn chứng tại dự án đầu tư QL22 từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 58,5km, ông Châu cho biết, do là tuyến giao thông huyết mạch nối với Campuchia nên Nhà nước đã bỏ kinh phí đầu tư mở rộng lần thứ nhất, những nhà phía sau hẻm được ra mặt tiền, giá trị đất của những nhà này tăng lên chục lần. Đến khi đoạn QL22 qua TPHCM chật hẹp, thành phố tiếp tục phải mở rộng lần thứ 2.
“Lúc này, thành phố đã phải bỏ kinh phí ra để đền bù cho giá trị tăng lên của nhà đất mà chính nhờ việc mở rộng đường trước đó tạo nên. Nhà nước phải tiêu tốn một nguồn kinh phí rất lớn mà không được bù đắp. Nói tiền Nhà nước nhưng thực ra là tiền thuế của dân, điều đó là không công bằng, vì đường mở rộng ra thì chỉ một bộ phận người dân dọc 2 bên đường hưởng lợi khủng”, ông Châu nói.
Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Duân, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, vấn đề chênh lệch giá đất trước và sau GPMB đã được thành phố tính đến từ lâu nhưng với điều kiện thực tế của TP Hà Nội chưa thể thực hiện được.
Đơn cử, đối với đường Vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái thời điểm năm 2010, thành phố đã có chủ trương mở rộng đường chỉ giới đỏ mỗi bên thêm 50m để bán đấu giá phần đất mặt đường tạo thêm nguồn ngân sách phục vụ công tác GPMB. Tuy nhiên, những nhà trong diện GPMB kịch liệt phản đối nên chủ trương này phải dừng lại.
“Công tác GPMB phải theo quy hoạch từ trước. Khi quy hoạch con đường phải quy hoạch luôn việc lấy mỗi bên đường 50m hay 100m, người dân mới chấp hành. Nếu bổ sung hoặc nằm ngoài quy hoạch, nó sẽ dẫn đến việc chậm tiến độ GPMB”, ông Duân nói và cho biết, việc điều chỉnh đường chỉ giới đỏ khi mở đường còn tác động đến một loạt quy hoạch trước đó, từ quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển giao thông đến quy hoạch phát triển vùng. Mỗi quy hoạch khi điều chỉnh lại mất rất nhiều thời gian khi phải tiến hành lấy ý kiến người dân, cộng đồng, sự góp ý của các sở, ngành, sau đó mới có thể trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Lê Hoàng Châu, gần 30 năm trước, khi TP HCM bắt đầu triển khai dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành đưa ra 2 phương án về biên giải tỏa. Phương án 1 là giải tỏa 17m tính từ mép bờ kênh gọi là biên kỹ thuật để sau này làm đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc theo tuyến kênh này. Phương án 2 là biên chỉnh trang đô thị, tức là từ biên kỹ thuật sẽ giải tỏa mở rộng thêm 50m nữa dọc chiều dài tuyến đường để tạo quỹ đất sạch.
“Thành phố sẽ đấu giá khu đất đó hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án, lấy nguồn tiền đó để bù đắp chi phí làm đường. Bởi lúc đó thành phố không có tiền mà phải vay của Ngân hàng Thế giới – WB, hiện giờ thành phố vẫn đang phải trả khoản vay này hàng năm”, ông Châu chia sẻ
Tuy nhiên, về sau ý tưởng giải tỏa tới biên chỉnh trang đô thị không thực hiện được do dự án triển khai bằng nguồn tiền vay của WB nhưng không đủ kinh phí để giải tỏa mặt bằng mỗi bên thêm 50m. Việc này vô hình đã làm lợi cho những nhà ở trong các hẻm sâu được ra mặt tiền đường và hưởng lợi giá trị đất gia tăng.
“Nhiều người có thông tin về quy hoạch chỉnh trang đã đến khu vực này gom đất, mua nhà giá rẻ, sau khi đường mở rộng giá lên rất cao đã bán kiếm lợi, thậm chí trong đó có cả nhiều cán bộ các sở, ngành của TP HCM lúc bấy giờ”, ông Châu nói và cho biết thêm, hàng loạt dự án sau đó như kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm, rạch Hàng Bàng, rạch Ruột Ngựa… đều đi theo vết xe đổ này.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc khai thác giá trị gia tăng ở các khu đất sau khi đầu tư mở rộng các tuyến đường đã được nhiều chuyên gia đặt vấn đề từ 30 năm qua nhưng đến nay TP HCM vẫn chưa làm được. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là nhiều người chỉ coi các dự án xây dựng giao thông mang nặng tính chất đơn ngành, trong khi ở nước ngoài họ đặt nó trong tính chất đa ngành.
“Các dự án giao thông của Việt Nam chủ yếu là tiêu tiền ngân sách, ở nước ngoài họ xem dự án giao thông như là một dự án đầu tư, tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Đó là sự khác biệt giữa hai cách đầu tư”, ông Sơn nói và cho rằng, việc thu tiền chênh lệch địa tô từ các dự án giao thông ở Việt Nam hoàn toàn làm được. Điều quan trọng là phải đổi cơ chế làm việc, từ đơn ngành sang đa ngành, từ tư duy kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.
Theo ông Sơn, nếu theo tư duy kinh tế thị trường, ngay giai đoạn lập dự án, chúng ta sẽ lập dự án đó với quy mô rộng hơn. Chẳng hạn, khi thực hiện dự án metro, nếu chỉ giao cho Sở GTVT thực hiện, họ chỉ GPMB đúng ranh để làm dự án. Còn nếu triển khai theo tư duy mới, sẽ tính ranh giải phóng ra từ 50 – 100m, tại các khu gần nhà ga, có thể giải phóng ra bán kính 800m để lấy đất.
Chúng ta muốn tạo quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường giao thông, cụ thể như các tuyến Vành đai 2, 3, metro… thì việc xây dựng không phải trách nhiệm riêng của ngành GTVT mà của liên ngành như: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường, Tài chính…
“Để làm được việc này phải có một Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách vấn đề đô thị đứng ra điều tiết. Nếu chúng ta không làm được thì thuê chuyên gia trong nước, nước ngoài lập dự án”, ông Sơn gợi ý.
Theo Nhóm PV
Giao thông