Ngay sau thời điểm dịch được kiểm soát, thị trường BĐS đã có những tín hiệu khả quan khi loạt doanh nghiệp BĐS công bố bán hàng, giới thiệu dự án. Đây được xem là những tín hiệu lạc quan, làm nền cho thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm.
Thị trường đang kì vọng 2 quý cuối năm sẽ có những tín hiệu lạc quan cả về nguồn cung lẫn sức mua, giúp thị trường phục hồi, lấy đà để phát triển trong giai đoạn tới. Có những “điểm sáng” được dự báo sẽ làm nền tảng để BĐS có thể bật dậy trong giai đoạn này.
Nhu cầu mua nhà để ở vẫn tăng mạnh mẽ
Theo những người trong cuộc, nhu cầu tìm chốn an cư và sản phẩm để đầu tư của khách hàng vẫn còn khá lớn trên thị trường. Ở một số phân khúc thể hiện rõ nét sự quan tâm của khách mua. Tuy có những thận trọng trong nhu cầu trên thị trường lúc này nhưng theo các doanh nghiệp, tâm lý này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hi vọng thời điểm 6 tháng cuối năm giao dịch sẽ khả quan hơn.
Theo JLL Việt Nam, nhu cầu mua nhà để ở của người dân vẫn tăng ở một số phân khúc, giá cũng có xu hướng tăng lên bất chấp dịch bệnh. Cụ thể, ở phân khúc nhà liền thổ, lượng nhà ở bán được trong quý 2 tăng hơn 50% so với quý trước, đạt 569 căn, và 65% lượng giao dịch cũng đến từ một dự án ở quận 9.
Xu hướng của người mua hiện nay cũng đang dịch chuyển ra xa trung tâm thành phố, nơi có quỹ đất lớn cho môi trường sống xanh và rộng rãi phục vụ cho đối tượng mua nhà để an cư. Trong đó, các nhà đầu tư mong muốn mở cửa hàng kinh doanh hoặc đơn giản là để giữ tài sản nhà đất dài hạn không bị mất giá theo quan điểm của người Việt Nam.
Tương tự, ở phân khúc căn hộ Tp.HCM, lượng căn hộ bán được trong quý 2/2020 đạt 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng cao gấp đôi so với quý 1. Trong đó, 83% giao dịch là ở phân khúc bình dân và trung cấp.
Tuy vậy, theo đơn vị này, nhiều người mua chịu chi cho một số phân khúc giá cao trên thị trường chủ yếu đến từ những gia đình có dòng tiền tốt và ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang chậm lại.
Theo ghi nhận, thị trường thời điểm này nên bán ít nhưng nhu cầu từ bên mua vẫn cao, nhu cầu mua với mục đích ở thực đang có xu hướng tăng lên, trong khi mua đầu tư, đầu cơ đang giảm nhẹ.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến BĐS Việt Nam
Đây cũng được xem là “điểm sáng” của thị trường BĐS những tháng còn lại của năm 2020. Theo các chuyên gia, không vì dịch bệnh mà BĐS Việt Nam giảm đi sự quan tâm của NĐT nước ngoài. Ở một số phân khúc BĐS như BĐS nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp vẫn nhận được cơ hội đầu tư. Trong đó, phân khúc BĐS công nghiệp được xem là “điểm sáng” rõ nét nhất.
Theo nhận định, việc sụt giảm FDI vào BĐS trong quý 1/2020 chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao, Thị trường vốn tại Việt Nam, JLL cho rằng, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm trong quý 1/2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín. Đây được xem là tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS trong các quý tiếp theo.
Tuy vậy, theo bà Khanh, với tâm lý “tiền mặt là vua”, hoặc “làm khi lành để dành khi mưa” trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung đầu tư vào các thị trường họ đã am hiểu. Các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thẩm định giá nhiều hơn, và do các chuyến bay đến Việt Nam bị hoãn sẽ làm chậm các giao dịch đang triển khai.
Cùng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho hay, thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản.
Nhóm nhà đầu tư này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải dài trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và Tp.HCM. Từ 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt “deal” với tổng giá trị lên tới nửa tỷ USD.
Nhìn từ bức tranh toàn cảnh, BĐS Việt Nam vẫn là một thị trường có nhiều lợi thế và thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Lợi thế dễ nhận thấy nhất là quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, với độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi chiếm 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn. Kế đến là tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5-6,8% trong nhiều năm qua, nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… Đây chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm khi tìm đến Việt Nam đầu tư.
Một phần pháp lý được tháo gỡ
Dù còn nhiều điểm nghẽn pháp lý cần tháo gỡ trong thời gian tới để thị trường BĐS thực sự thông thoáng, nhưng trong năm 2020, một loạt động thái của Chính phủ, cùng những chính sách ưu đãi được xem là tín hiệu tích cực để thị trường BĐS dần phục hồi.
Chẳng hạn, UBND Tp.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án BĐS, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư…; hay Nghị định 25 đã tháo gỡ được nút thắt lớn nhất trong hành trình: đấu thầu – giao đất/cho thuê đất – triển khai dự án, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện sớm dự án…
Theo các chuyên gia, những quyết sách mạnh và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây nhằm tháo gỡ khó khăn sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp BĐS mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam. Cho dù tác động của Covid-19 được dự báo có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS chắc chắn sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh ở giai đoạn tiếp theo 2021-2022.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, dù đã có những nút thắt được tháo gỡ nhưng thị trường BĐS cần tập trung vào một số giải pháp cho từng vấn đề cụ thể: Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xen kẹt một số thửa đất do Nhà nước quản lý do DN nhận chuyển nhượng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của các pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch đô thị, về nhà ở, về kinh doanh BĐS… nên rất cần được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét, chỉ đạo để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án.