Nhiều dự án đang gặp khó khăn về pháp lý lại tiếp tục “đóng băng” vì Covid-19. Ảnh minh họa.Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến ngay sau Tết Nguyên đán phá vỡ nhiều dự định tung ra dự án mới của các chủ đầu tư BĐS lớn, các sàn giao dịch vắng bóng người qua lại và thậm chí phải đóng cửa trong khoảng thời gian khá dài.
Có thể nói, Covid-19 ập đến bất ngờ, đã làm suy yếu những triển vọng cho thị trường BĐS mà trước đó các dự báo, kỳ vọng đã đưa ra. Nhưng chưa hết, quan trọng là Covid-19 không chỉ làm chậm lại mà sẽ làm thay đổi trạng thái và tác động đến cung – cầu của thị trường.
Một khảo sát của Savills gần đây có kết quả, nhu cầu sở hữu/sử dụng một không gian riêng tư hoặc công cộng ngoài trời đang được tăng cao, đất nền và vùng ven sẽ là xu hướng của thị trường. Hay sự chuyển dịch đầu tư là cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp. Phân khúc nhà ở hướng tới những giá trị thực, phục vụ nhu cầu thiết yếu….
Tại một tọa đàm diễn ra trong tháng 6 tại Sầm Sơn – Thanh Hóa, giữa các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cùng nhìn lại đánh giá quá trình 10 năm phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Các ý kiến chung nhận định, thập kỷ qua là giai đoạn phát triển nhất của bất động sản Việt Nam kể từ trước đến nay, bao gồm cả chất lượng và số lượng, nhìn nhận cả mức độ hoàn thiện và chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, Covid-19 khiến thị trường có giai đoạn ngưng lại, đây cũng sẽ là thời điểm “chín muồi” để đánh giá thận trọng về thị trường, nhận diện những nguy cơ, nhận định xu hướng mới, đồng thời tiếp tục cơ cấu, thay đổi, chuẩn bị cho thập kỷ mới bất động sản Việt Nam phát triển an toàn và bền vững hơn.
Tại đây, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch của Deloitte Việt Nam đã nêu, để đón đầu xu thế tiếp theo cần nhiều thay đổi và thay đổi một cách kịp thời. Trong đó hoàn thiện pháp lý là việc cấp bách, cần cải cách sự chênh vênh giữa luật chuyên ngành và luật cơ bản, giải quyết các vấn đề thủ tục đầu tư. Khung pháp lý đã hoàn thiện nhưng cần đồng bộ, đồng nhất giữa các địa phương…
Nhắc lại giai đoạn 2010 – 2020, những khó khăn của đầu thập kỷ cũ đã tạo cơ hội mới cho rất nhiều nhà đầu tư, và thực tiễn đã cho thấy sự nổi lên của nhiều nhà phát triển bất động sản mới, đặc biệt từ năm từ 2014 trở lại đây.
Đứng trước khó khăn trong năm 2020, cũng mở ra những cơ hội rất lớn và sau đó sẽ là sự thay đổi vô cùng lớn, thậm chí nhiều tình huống đảo chiều. Quan trọng là cần hiểu đúng và nắm bắt kịp thời, có hướng đi tốt để vượt qua giai đoạn khó khăn này, dự kiến kéo dài nhất là 3 năm sau, tức từ năm 2023 sẽ mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới phát triển và hoàn thiện hơn, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung nhận định.
Thị trường phục hồi dần ngay trong 6 tháng cuối năm 2020
Khác với thời điểm của năm 2010, những khó khăn của năm 2020 mang theo nhiều cơ hội hơn. Cách đây 10 năm, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nói cách khác mọi sự khởi sắc đều phải bắt đầu từ tháo gỡ được tình trạng “tê liệt” của thị trường tài chính. Lãi suất ngân hàng bị đẩy lên đỉnh điểm, cao ngất ở mức độ trên 20%.
Nhưng, thời điểm 2020, lãi suất ngân hàng với chính sách “hỗ trợ” đang là tốt nhất kể từ trước tới nay. Đây là điểm khác biệt rất lớn để thị trường nói chung và bất động sản nói riêng có khả năng phục hồi tốt hơn.
Hơn nữa, đến thời điểm này, BĐS Việt Nam đã trưởng thành và phát triển vượt bậc so với những năm đầu của 2010. Đây là nền tảng khác biệt và vững chắc.
Savills Việt Nam mới đây đã có báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020. Trong đó, nhận định dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng, sau khi dịch bệnh thực sự kết thúc trên toàn cầu.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Mặc dù vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn. Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn.
Ngay trong đầu tháng 6, thị trường bất động sản trong nước đã có dấu hiệu tích cực hơn, nhiều doanh nghiệp công bố mở bán, thị trường dần nhộn nhịp trở lại cùng với hàng loạt chính sách hấp dẫn để kích cầu người tiêu dùng.
Tổng nguồn cung và giá bán căn hộ tại thị trường TP.HCM quý II/2020. Nguồn: JLL Việt Nam.
Theo báo cáo vừa công bố của JLL Việt Nam, tính riêng thị trường căn hộ tại TP.HCM quý II/2020, trong quý nguồn cung căn hộ được chào bán là 3.820 căn, cao gần gấp đôi so với quý I. Lượng căn hộ bán được trong quý II đạt 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng cao gấp đôi so với quý I.
Trong đó, 83% giao dịch là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành kí hợp đồng mua bán trong quý này.
JLL dự báo sẽ có khoảng 15.000-20.000 căn hộ được chào bán trong sáu tháng cuối năm, tổng nguồn cung cả năm 2020 dự báo lên 20.000-25.000 căn.
HOÀNG HÀ
Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/dia-oc/nam-2020-se-danh-dau-buoc-ngoat-lon-cho-thi-truong-bat-dong-san-3547506.html