Bộ trưởng Công Thương đề nghị các bộ, ngành cùng chung tay giải cứu các dự án tồn đọng, trong khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lợi nhuận để giảm lãi cho vay…
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo dịch bệnh và thiên tai sẽ đe dọa tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Chiều nay (2/7), tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 đang diễn ra tại Hà Nội, các Bộ trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đưa ra hàng loạt giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm trong điều kiện đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới nhiều bất ổn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù đại dịch covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam đã chống dịch thành công.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuân Anh
Ông Tuấn Anh cho biết, trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng dương, điều này cho thấy chúng ta vẫn có những dư địa tốt và vẫn có tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của đại dịch đang diễn biến phức tạp, 6 tháng cuối năm sẽ còn rất khó khăn. “Một số nước đã bùng phát trở lại, vì vậy muốn khôi phục thì cần cẩn trọng thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa duy trì tăng trưởng, không lơ là nhiệm vụ nào”.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, thời gian tới sẽ cho phép khuyến mãi giảm giá 100%, không giữ trần nữa.
“Bộ Công Thương tán thành việc sớm thành lập Ban Chỉ đạo chống suy thoái nền kinh tế sau đại dịch covid-19, việc này để kết nối hoạt động chống dịch và phát triển kinh tế, nếu chúng ta lơ là chống dịch thì có thể sẽ bùng phát trở lại” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị thời gian tới Bộ Công Thương cần phối hợp liên ngành giữa các bộ ngành và địa phương để giải quyết các dự án tồn đọng, không phải chỉ 12 đại dự án mà còn rất nhiều dự án hiện còn vướng mắc chính sách để giải phóng đầu tư.
Tại Hội nghị, ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị giảm lãi suất, giảm lương thưởng để giảm lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay cũ và mới giảm khá mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Ông Hưng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ hỗ trợ tín dụng cho hệ thống các ngân hàng thương mại, đảm bảo các chính sách vốn cho phát triển. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường nếu có những bất ổn, ảnh hưởng đến vĩ mô, sẵn sàng tái cấp vốn cho các dự án.
“Ngân hàng Thương mại cần triệt để giảm lợi nhuận, lãi, giảm lương thưởng để đảm bảo hạ lãi suất cho vay. Sẵn sàng xem xét sửa đổi gia hạn cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng, sẵn sàng tái cấp vốn cho các dự án công trình trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng” – ông Hưng cam kết.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng Việt Nam đã chủ động đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái phát triển phù hợp trong điều kiện mới. Riêng về nông nghiệp 6 tháng đầu năm, ảnh hưởng của covid-19 và dịch bệnh, nhưng tăng trưởng chung vẫn cao, tất cả đều có tăng trưởng, 63 tỉnh thành đều tăng trưởng về nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tình hình dịch bệnh ở lợn, gia súc, gia cầm thời gian tới sẽ diễn biến rất khó lường. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và địa phương cần chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất để không ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển của đất nước.
An Linh