Khu Lâm viên sinh thái thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích khoảng 128 ha với chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường, thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Được biết, dự án sẽ đưa vào sử dụng trước năm 2025.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Báo Đầu tư)
Thông tin từ Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm (ngày 29/6) cung cấp, theo quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết) tỷ lệ 1/2000, Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn bao gồm thêm khu Lâm viên sinh thái có diện tích khoảng 128 ha, với chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường và thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí và giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên như một lâm viên sinh thái rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố.
Phần lớn diện tích của Khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật. Các công trình xây dựng trên 3 lô đất này có quy mô và kiến trúc hài hòa, mật độ xây dựng thấp để không phá vỡ cảnh quan chung.
Khu Lâm viên sinh thái được đánh giá là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại Thủ Thiêm và là một công trình rất đặc thù tại khu trung tâm Thành phố. Hầu hết diện tích của khu vực là đất trồng đước và các loại thực vật phát triển tự nhiên, kết hợp với các tuyến giao thông thủy được đào và nạo vét từ các luồng lạch hiện hữu. Khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào và rừng đước tại khu ngập nước này, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy.
Về việc triển khai đầu tư xây dựng Khu Lâm viên sinh thái, do tính chất đặc thù của công trình nên UBND TP đã chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (là Công ty Architype – Cộng hòa Pháp) để lập Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ mất rất nhiều thời gian do phải tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề bảo tồn, tôn tạo “một lâm viên sinh thái rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố”, phải tổ chức tham học tập kinh nghiệm của các dự án có quy mô, tính chất tương tự ở trong nước và các nước trong khu vực, phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn,…
Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý Thủ Thiêm, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đến nay đã được UBND TP phê duyệt và Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được đơn vị tư vấn báo cáo đến các cơ quan chuyên ngành của Thành phố; đang hoàn chỉnh để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Về phương thức đầu tư, trước đây, dự án đầu tư xây dựng Khu Lâm viên sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT. “Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vì vậy, sau khi Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, UBND TP sẽ có chỉ đạo để sớm đầu tư xây dựng công trình và đưa vào sử dụng trước năm 2025 theo đúng quy định hiện hành”, Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm cho biết.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng CP phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha (trong đó: Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha), dân số khu đô thị mới khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người.
Theo quy hoạch 1/2000 được UBND TP phê duyệt, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm và một phần của các phường Bình An, Bình Khánh.
Liên quan tới khu đô thị này, Thanh tra Chính phủ vào ngày 26/6 vừa qua đã có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai.
Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giải phóng mặt bằng trên 99%; công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định; ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT như: 4 tuyến đường chính; Cầu Thủ Thiêm 2; Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc-Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ…
Dù vậy, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, UBND TP ban hành Điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng;
Việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.734 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo của UBND Thành phố về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả thanh tra, tổng chi phí phải trả là hơn 83.335 tỷ đồng (gồm chi phí đầu tư và lãi tiền tạm ứng từ ngân sách). Tổng thu dự kiến đến nay là hơn 74.601 tỷ đồng (bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016). Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm;
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/9/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới này là trên 4.286 tỷ đồng;
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm…