Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lợi nhuận 2020 do tác động của Covid-19. Cùng với đó, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ để chuẩn bị cho giai đoạn 2021 – 2025.
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) thống nhất tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ dự kiến sau tăng lên là 10.746 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp LienVietPostBank đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới, phát huy lợi thế cạnh tranh về bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số… bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ tăng trưởng tín dụng…
LienVietPostBank đặt mục tiêu 2020 theo hướng thận trọng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng và duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%. Đây là mức đã điều chỉnh so với dự kiến trước khi có Covid-19. Trong khi năm 2019, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.039 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2018.
Cập nhật 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
ĐHCĐ Vietcombank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 – 2021 nâng từ 37.088 tỷ đồng lên 39.499 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Việc tăng vốn sẽ thực hiện 2 phần: phát hành 667,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 18%, từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến 31/12/2018. Đồng thời, Vietcombank sẽ chào bán tối đa hơn 241 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ. Trong đó, Ngân hàng chào bán cho các nhà đầu tư gần 205 triệu cổ phiếu, tương đương 5,19% vốn và phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản gần 36,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,92% vốn nhằm giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% vốn.
Tuy nhiên, kế hoạch năm 2020, Vietcombank không đưa ra con số cụ thể về lợi nhuận mà đề xuất cổ đông giao HĐQT thực hiện nhằm phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đầu 2020, Vietcombank dự kiến nhuận hơn 26.600 tỷ đồng. Cập nhật lợi nhuận trước thuế dự kiến trong 6 tháng đầu năm đạt trên 11.000 tỷ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Vietcombank cho biết, chủ trương hậu Covid-19 của ngân hàng là chuyển dịch cơ cấu chất lượng tín dụng chứ không hạ chuẩn cho vay để tăng trưởng. Chu kỳ suy thoái kinh tế 10 năm toàn cầu đã xảy ra và Việt Nam cũng khó tránh khỏi. Do đó, mục tiêu quan trọng là hạn chế thiệt hại, hoạt động an toàn, đưa Vietcombank “hạ cánh mềm”. Ngân hàng phải điều chỉnh mục tiêu tín dụng cũng như tăng trưởng tín dụng để cơ cấu lại nợ cho khách hàng.
Sau 1 năm thực hiện dọn dẹp nợ xấu, SHB sẽ tập trung cho việc tăng vốn. Ngân hàng đã tăng vốn điều lệ lên mức 17.558 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành hơn 550 triệu cổ phiếu, bao gồm chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Năm 2020, vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 19.314 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 1.756 tỷ đồng, cũng theo phương án phân phối cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu, với mức tỷ lệ 10%.
Khoản vốn tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để nâng cao tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, thuê các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tư vấn và phản biện, sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt đạt 3.026 tỷ đồng, tăng trưởng gần 45% so với năm 2018. Trong năm nay, SHB dự kiến lợi nhuận tiếp tục tăng từ 35-40%, nhưng kế hoạch này đã điều chỉnh vì Covid-19. Theo đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.268 tỷ đồng.
Techcombank cũng đặt kế hoạch thận trọng với mức lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 1% trong bối cảnh chưa thể lường hết tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, ĐHCĐ của Ngân hàng mới đây đã thông qua việc tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 35.049 tỷ đồng với việc phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên,
Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank – cho biết, năm 2020, Techcombank tập trung tạo nền tảng để phát triển dài hạn. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để xây dựng nền tảng, phát triển bền vững hơn.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đồng thuận phương án thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2020. NCB sẽ tăng thêm 3.000 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của NCB. Bên cạnh đó, NCB sẽ tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2028 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trong 5 năm qua, các ngân hàng đã liên tục tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao gấp nhiều lần so với tín dụng và tổng tài sản. Điều này sẽ không thể kéo dài và sẽ có rủi ro khi gặp các biến cố như Covid-19.
Vì thế, các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh và thận trọng hơn trong mục tiêu lợi nhuận, đổi lại sẽ là 1 năm gia cố nền móng lâu dài khi các ngân hàng chủ động tăng vốn điều lệ nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm hoặc tăng thấp.
Đông Hà