Mùa Đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm nay có một điểm chung thể hiện rất rõ là cổ đông thường nhận cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc không nhận được gì.
Tại Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc đưa ra yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Đây tưởng như là “rào cản” với các ngân hàng muốn chia cổ tức nhưng thực tế trong vài năm trở lại đây dù lợi nhuận của ngân hàng tăng cao thì vẫn chỉ có một vài nhà băng chia cổ tức bằng tiền mặt, chủ yếu vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chỉ thị 02 không những không ảnh hưởng nhiều tới vấn đề chia cổ tức mà lại còn là một “cái cớ” rất chính đáng cho các ngân hàng không muốn chia cổ tức.
Vì sao ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu?
Báo cáo tài chính năm vừa qua của hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Thậm chí, có khoảng 10 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều ngân hàng hứa hẹn sẽ chia cổ tức cho cổ đông ở mức cao, lên tới 30% nhưng chủ yếu là bằng cổ phiếu.
Tại cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên hôm 13/6, ngân hàng HDBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ lên tới 65%, mức chia cao nhất của các ngân hàng trong năm nay.
Cụ thể, dựa trên mức lợi nhuận sau thuế hơn 4.020 tỷ đồng trong năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, cộng với phần lợi nhuận giữ lại của các năm trước, HDBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần để tăng vốn điều lệ. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng hơn 6.200 tỷ đồng, lên hơn 16.000 tỷ đồng.
ACB chia cổ tức năm 2019 ở mức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Trước yêu cầu của NHNN, khả năng ACB sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
Mục tiêu lợi nhuận 2020 được ACB công bố trong báo cáo thường niên 2020 là 7.636 tỷ đồng trước thuế, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với con số dự kiến ban đầu là 8.700 tỷ đồng.
Loạt các ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay nhưng với tỷ lệ thấp hơn có thể kể đến như TPBank, Vietcombank, MBBank, SHB, OCB…
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau một năm kinh doanh, nhà đầu tư sẽ muốn thu lợi bằng tiền mặt hơn là nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi điều này mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư phòng thủ thì việc nhận tiền mặt từ doanh nghiệp mang tính đảm bảo hơn nhiều so với việc công ty giữ lại tiền và chạy theo những cơ hội “hào nhoáng” nhưng không chắc chắn.
Ngoài ra, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ chứng minh là doanh nghiệp có dòng tiền vững mạnh, an toàn khi đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II, nếu trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm lượng tiền của ngân hàng khiến không đạt được mục tiêu tăng vốn, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển của ngân hàng.
Đáng chú ý, thời gian qua, việc tăng vốn ở hầu hết các ngân hàng trở nên khó khăn, thậm chí có ngân hàng nhiều năm không tăng được vốn, nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giảm bớt áp lực về tăng vốn.
Đơn cử như trường hợp Techcombank, cổ đông của nhà băng này 8 năm qua phải “nhịn” cổ tức dù lợi nhuận liên tục tăng. Lý do được HĐQT Techcombank đưa ra là nhằm gia tăng điểm hấp dẫn cho cổ phiếu khi chuẩn bị lên sàn HoSE và phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Một số ngân hàng nói không với cổ tức, cổ đông bức xúc
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã diễn ra như VPB, MSB, ABBank, PVComBank thì cổ đông vẫn nhận được câu trả lời khá quen thuộc “nói không với cổ tức”.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) là một trong số các ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 sau giai đoạn các ngân hàng phải hoãn ĐHĐCĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cổ đông đều chung cảnh “lại một năm không cổ tức”.
ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5 vừa qua, cổ đông MSB thắc mắc tại sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại giá trị gần 900 tỷ của năm 2019 để chia cổ tức (tỷ lệ 5%), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu, nhưng đây mới là giả định trong điều kiện tốt.
Theo ông Quang, hiện tại, MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý III/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi hơn.
Bởi, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu ngân hàng chưa xử lý hết nợ tại VAMC sẽ không được chia cổ tức, dù đó chỉ là nơi giữ nợ tạm thời. VAMC có ý nghĩa rất lớn với các ngân hàng. Nhờ nợ ngoại bảng được gửi tại VAMC, các ngân hàng đã có thời gian phục hồi sức khỏe, có nguồn lợi nhuận để từ đó quay lại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, một khi các ngân hàng đã qua tình trạng “nguy kịch”, việc đưa nợ xấu về một sổ duy nhất để quản lý là cần thiết.
Việc ngân hàng chạy đua mua nợ tại VAMC không chỉ do thời hạn 5 năm sắp kết thúc, mà còn là để tránh nguy cơ nhận “án phạt” từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, theo dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, NHNN bổ sung quy định: “Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán”.
Hay như ĐHĐCĐ ABBank diễn ra mới đây, HĐQT ngân hàng cho biết, việc giữ lại lợi nhuận để tích lũy vốn tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định của NHNN và nhu cầu phát triển của ngân hàng trong những năm tới. Do đó, ABBank đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới.
Dù 2 năm trở lại đây có những bước tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận, trả lời cổ đông trước câu hỏi về cổ tức, đại diện Sacombank vẫn cho biết, HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa thông qua đề xuất.
Cùng chung cảnh đang trong thời gian tái cơ cấu, cổ đông PVComBank sẽ tiếp tục phải chờ đợi quá trình tái cơ cấu, nếu thành công thì những năm về sau mới có thể nghĩ tới vấn đề chia cổ tức.
Cổ đông VPBank năm nay cũng bày tỏ bức xúc khi không được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Ngành ngân hàng năm 2020 phải chịu nhiều tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Đa số đều nhận thức rất rõ khó khăn nên mục tiêu kinh doanh đã được điều chỉnh.Tuy nhiên, bản thân các NHTM cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, dự báo: thu nhập hoạt động sẽ giảm ít nhất là khoảng 30-34 ngàn tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Nợ xấu cũ chưa qua, nợ xấu mới đang ập tới sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận năm 2020 và việc chia cổ tức e rằng sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Như Tiên
Theo ANTT/NĐT