Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm itrên 90% tổng số DN cả nước rất khó khăn tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Nguyên nhân vẫn là những vướng mắc cũ mà cả DN và NH không thể vượt ra ngoài quy định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 16/6 đạt 2,13%, thấp xa so với 5,7% cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, cho vay các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng trưởng giảm 0,7%.
Doanh nghiệp “khát” vốn
Với tăng trưởng tín dụng âm, cũng có nghĩa là tất cả những DNNVV, chiếm trên 90% tổng số DN cả nước, không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Nhiều DNNVV trên cả nước cho hay có nhu cầu về vốn, muốn vay từ ngân hàng nhưng không được. Ông Bùi Ngọc Tường, Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành (Hà Nội), chia sẻ, DN đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm DNNVV, được ưu tiên. Hơn nữa, DN chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng, nhưng nay muốn vay thêm vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất cũng không được.
DN nhỏ và vừa hiện không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Mỗi tháng, công ty có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại ngân hàng Agribank, chi nhánh Long Biên. Nhưng 10 năm nay, DN chưa vay được đồng vốn nào tại ngân hàng này, trong khi nhu cầu vay vốn là rất lớn. Ngân hàng đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp và không chấp nhận thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai, khiến cánh cửa vay vốn của bị thu hẹp lại, ông Tường kể.
Còn ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bigsun Việt Nam, thừa nhận, DNNVV thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu tài sản bảo đảm và 90% gặp vấn đề về vốn, nên khi rơi vào khó khăn cụ thể là bị nhảy nhóm nợ, càng khó tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, khi có nguồn tiền về, ngân hàng chỉ muốn thu lại khoản đã cho vay, chứ không muốn cho vay thêm.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc CTCP Ngôi Sao Biển Sài Gòn, nói thêm, nhu cầu về vốn của DN hầu như lúc nào cũng có. Đặc biệt, khi hoạt động ảm đạm do dịch COVID-19 gây ra, dòng tiền cạn kiệt thì nhu cầu càng gia tăng để duy trì và phát triển. Thế nhưng, nếu DN không phải là khách hàng “ruột”, sẽ vô cùng khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Vì vậy, chuyện vay được tiền với lãi suất thấp hiếm khi xảy ra với nhiều DN.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc điều hành một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ ở TP. Biên Hòa Đồng Nai, than thở, dịch COVID-19 tác động trực tiếp tới tình hình hoạt động, doanh thu của DN. Công ty phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí liên quan để sống sót. Công ty rất mong được vay vốn với lãi suất thấp nhưng vẫn chưa được.
Tìm đâu lãi suất thấp cho DNNVV
Không vay được, nhiều DNNVV cũng chưa được được giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu.
Theo ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (TP.HCM), công ty vẫn phải trả lãi vay trung dài hạn bình quân 10-11%/năm, không thay đổi so với trước đây. Một số ngân hàng cho rằng chỉ có vay mới thì lãi suất sẽ thấp hơn. Thế nhưng, tài sản của công ty đã cầm cố cho những khoản vay cũ thì không thể nào đáp ứng đủ điều kiện để vay mới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần mở rộng quy mô các Quỹ bảo lãnh tín dụng, để hoạt động hiệu quả hơn
Ông Trịnh Xuân Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), cho hay, công ty ông chuyên sản xuất và xuất khẩu hạt điều, khoảng 80% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đại dịch, từ sau Tết đến nay, công ty gần như phải tạm ngừng sản xuất. Mặc dù công ty đã nộp đơn xin được hỗ trợ, giảm lãi suất vay vốn ngắn hạn khoảng 10 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được. Hiện công ty vẫn phải chịu lãi suất thông thường khoảng 10,5%/năm.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, nhận xét: “Các ngân hàng nói rằng đã điều chỉnh giảm lãi suất 2 điểm % cho DN, nhưng trên thực tế bản thân tôi mất gần 2 tuần để dẫn dụ các văn bản, ngân hàng mới giảm lãi suất xuống 0,5 điểm %”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời năm 2017 với kỳ vọng giúp các DNNVV phát triển. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Trong đó, điểm nghẽn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp, đã không được khai thông.
TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, kiến nghị Chính phủ có thể cân nhắc một gói hỗ trợ lãi suất thấp để hỗ trợ các DN gặp khó khăn do COVID-19 gây ra. Giai đoạn 2008-2009 chịu tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta đã có gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Hiện lãi suất tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong khu vực. Do đó, Chính phủ nên xem xét thêm những gói cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đánh giá, năng lực điều hành, quản trị của DNNVV hiện rất thấp, vì vậy các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn. Do đó, cần có bảo lãnh tín dụng. Thực tế, nhiều quốc gia đã tung ra các gói bảo lãnh tín dụng, có nơi lên tới 70% khoản vay.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần mở rộng quy mô các Quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ hoạt động hiệu quả hơn. Không nên quá lo ngại về nguy cơ “vỡ quỹ” do DN sử dụng vốn vay không hiệu quả, vì DN nào cũng muốn làm ăn có lãi.
(Theo Vietnamnet)