Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, Việt Nam là điểm sáng với nhiều triển vọng kinh tế gắn với dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu và kiểm soát dịch bệnh nên trong kịch bản xấu nhất, mức mất giá VND so với USD năm nay cũng sẽ không vượt quá mức đỉnh hồi tháng 3.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng cho ngày 18/6 ở mức 23.239 đồng, giảm 1 đồng so với ngày 17/6. Tỷ giá trung tâm đã giảm 9 đồng vào ngày 17/6. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá neo ở mức thấp, phổ biến mua vào ở mức 23.110 đồng và 23.200 đồng chiều bán ra. USD tự do cũng chỉ quanh 23.200 đồng. So với cuối năm 2019, tỷ giá hiện chỉ cao hơn khoảng 60 đồng, đồng thời đã giảm mạnh hơn 1% so với mức đỉnh giá hồi tháng 3.
Ảnh minh họa
Trước diễn biến tỷ giá giảm mạnh thời gian gần đây, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh đã có những phân tích và dự báo.
PV: Thưa ông vì sao tỷ giá tăng mạnh vào tháng 3 nhưng gần đây lại xuống thấp, chỉ chênh chút ít so với cuối năm 2019?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tỷ giá giảm mạnh trong 2 tháng gần đây có thể coi là sự phục hồi trở lại của đồng VND sau đợt mất giá mạnh trong nửa cuối tháng 3. Tuy vậy cũng cần phải thấy rằng tỷ giá hiện tại vẫn cao hơn 0,13% ở chiều mua vào và 0,39% ở chiều bán ra so với thời điểm cuối năm 2019. Nếu dịch Covid-19 bùng phát là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá của VND trong tháng 3 thì sự hồi phục mạnh từ tháng 4 đến nay cũng nhờ dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát. Thực tế, đồng tiền của các nước/khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan, Đài Loan… cũng phục hồi so với USD trong những tuần gần đây.
Bên cạnh yếu tố chi phối là dịch bệnh, cung cầu ngoại tệ trong nước ổn định cũng giúp hạ nhiệt tỷ giá nhanh chóng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại nửa cuối tháng 5 thặng dư 1,98 tỷ USD, tính chung cả tháng 5 thặng dư 1 tỷ USD – trái với dự báo thâm hụt trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại thặng dư tới 3,54 tỷ USD trong khi cùng kỳ 2019 thâm hụt 256 triệu USD. Bên cạnh đó, kiều hối 5 tháng của TP.HCM là 2,3 tỷ USD chỉ giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đối tích cực so với những lo ngại trước đó về sự sụt giảm mạnh của kiều hối do dịch bệnh toàn cầu.
Về nhân tố điều hành, NHNN một lần nữa cho thấy khả năng kiểm soát tỷ giá khi đưa ra thông điệp ổn định đúng thời điểm. Nhân tố bên ngoài cũng một phần hỗ trợ cho tỷ giá trong nước. FED đã cắt giảm khẩn cấp lãi suất về gần 0%, khẳng định sẽ giữ nguyên lãi suất này ít nhất là tới 2022 và cung cấp gói nới lỏng định lượng không giới hạn. Những động thái này khiến đồng USD nhanh chóng hạ giá. Chỉ số DXY giảm mạnh từ đỉnh hơn 100 (tháng 3, 4/2020) xuống quanh 97 điểm – xấp xỉ mức cuối 2019.
PV: Ông dự báo tỷ giá sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang ở vùng hiện tại. Trong kịch bản xấu, dịch bệnh vẫn khó kiểm soát, kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái có thể kích hoạt trở lại làn sóng tìm kiếm thanh khoản, kéo theo sự lên giá của đồng USD trên toàn cầu. Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm tiềm ẩn nguy cơ đồng CNY mất giá, từ đó tạo áp lực nhất định lên VND. Tuy nhiên, nếu kịch bản này có xảy ra thì cũng không phải là lần đầu tiên. Trong 3 năm vừa, qua đồng VND đã một số lần gặp áp lực tương tự. Tuy vậy đồng VND vẫn vượt qua nhờ nền tảng cung cầu ngoại tệ đã vững chắc.
Việt Nam là điểm sáng với nhiều triển vọng kinh tế gắn với dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu và kiểm soát dịch bệnh nên trong kịch bản xấu nhất, mức mất giá VND so với USD cũng sẽ không vượt quá mức đỉnh tháng 3 là 2%.
PV: Tỷ giá ở mức thấp sẽ tác động thế nào tới các doanh nghiệp thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Các ngành có đặc thù vay nợ ngoại tệ nhiều như điện, vận tải biển, xi măng…; các ngành nhập khẩu nhiều nguyên liệu và tiêu thụ thành phẩm ở thị trường nội địa như dược, nhựa, săm lốp… có thể được hưởng lợi khi VND giữ/tăng giá so với các ngoại tệ khác vì giảm bớt chi phí đầu vào. Tuy vậy, tính từ đầu năm đến nay, VND tăng giá so với CNY (+1,57%), KRW (+3,92%) nhưng vẫn mất giá so với USD, EUR và JPY lần lượt là -0,13%, -0,52% và -1,42%. Đây đều là các ngoại tệ chính sử dụng trong các hợp đồng vay vốn/hợp đồng kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam nên tác động đến tỷ giá cần đánh giá với từng doanh nghiệp cụ thể.
Trong nhiều năm trở lại đây đồng VND chỉ mất giá nhẹ so với USD. Sự phát triển nhanh và mạnh của kinh tế tư nhân đã mang đến một động lực tăng trưởng mới, góp phần thay đổi cán cân xuất nhập khẩu. Xuất siêu đã thường xuyên hơn và với giá trị ngày một lớn hơn. Đây là nền tảng để có thặng dư tổng thể, gia tăng cung ngoại tệ và bình ổn tỷ giá. Con số xuất siêu trong 5 tháng đầu năm nay là một dẫn chứng.
Với chính sách điều hành vĩ mô đang đi đúng hướng và sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tôi tin rằng cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục ở trạng thái dương. Các doanh nghiệp nhập khẩu vì vậy sẽ bớt gánh nặng và mối lo về tỷ giá.
PV: Mỗi khi tỷ giá ở vùng thấp và nguồn cung dồi dào, NHNN thường mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Theo ông thời điểm và bối cảnh kinh tế như hiện nay, NHNN có nên đẩy mạnh hơn nữa việc mua ngoại tệ?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Hiện tại NHNN vẫn duy trì tỷ giá mua vào là 23.175 đồng/USD, cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại cho thấy NHNN vẫn luôn sẵn sàng mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Điều chỉnh tỷ giá mua vào là một công cụ để thu hút/giảm bớt dòng USD từ thị trường vào dự trữ ngoại hối và việc thu hút/giảm bớt này lại dựa chủ yếu vào trạng thái ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo tôi, trong bối cảnh dịch bệnh khó dự đoán, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, kiều hối và đầu tư nước ngoài đều chậm, có lẽ chưa nên đẩy mạnh mua ngoại tệ mà nên lựa theo điều kiện thị trường ở từng giai đoạn để quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phạm Hậu/Nhịp sống kinh tế