Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Cho người ngoài mua bất động sản du lịch, kích thích thị trường phát triển
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng mới đây đã đưa ra hàng loạt giải pháp.
Trong đó, về giải pháp dài hạn, Bộ Xây dựng cho biết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đây mới chỉ là đề xuất từ phía bộ sau khi ghi nhận ý kiến từ nhiều bên liên quan về vấn đề này.
Trước câu hỏi về lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng khi cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch, trong khi phân khúc này chủ yếu nằm ở ven biển, ông Hùng cho biết, sẽ có những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Vấn đề an ninh quốc phòng luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong văn bản gửi lên Chính phủ và Bộ Xây dựng kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc cho phép cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như bất động sản du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản này và vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua bất động sản của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở.
VNREA đã kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản khác không phải là nhà ở. Bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại bất động sản không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.
Lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam từng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới thị trường bất động sản du lịch sụt giảm là người nước ngoài chưa được mua nhà ở.
Cần có giải pháp kỹ thuật ngăn người Trung Quốc sở hữu đất ven biển?
Nói với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch ở Việt Nam có thể kích thích thị trường này phát triển, đặc biệt trong bối cảnh phân khúc này có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, ông Võ lưu ý, việc thực hiện cho phép người nước ngoài mua bất động sản du lịch phải gắn liền với việc đưa ra các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng. Vì vấn đề địa chính trị, ông Võ cho rằng, phải có giải pháp kỹ thuật nào ngăn người Trung Quốc sở hữu dự án ven biển.
Vừa qua, thông tin từ Bộ Quốc phòng về những cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc “núp bóng” sở hữu và thuê tại lô đất ven biển thu hút quan tâm từ dư luận. Vấn đề về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế khu vực ven biển tiếp tục được “nóng” lên.
Các khu vực ven biển là nơi hoạt động kinh doanh sầm uất, thu hút khách du lịch nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các biện pháp nhằm kiểm soát và phân loại các dự án bất động sản du lịch được bán cho người nước ngoài nếu đề xuất này được chấp thuận.
Theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, Việt Nam vẫn có thể học hỏi những giải pháp đi trước của các quốc gia đó để cho phép người nước ngoài mua biệt thự, sở hữu bất động sản thay vì chỉ lo ngại không quản lý được.
Nguyễn Mạnh