“Điểm mặt” những chiêu thức bán BĐS mà người mua dễ “sập bẫy”; Bộ Xây dựng “hiến kế” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
“Điểm mặt” những chiêu thức bán BĐS mà người mua dễ “sập bẫy”
Tung chiêu bánh vẽ “dụ” mua, rồi bỏ rơi khách hàng sau khi bán xong: Dù chiêu thức này không còn xa lạ với người mua BĐS, nhưng hiện nay vẫn nhiều khách hàng thiếu tỉnh táo “dính phải”. Nhiều chủ dự án đưa ra mức phí môi giới rất cao nên nhiều môi giới “bán sống bán chết” để bán được hàng, sẵn sàng đưa ra bánh vẽ tiện ích dự án hoành tráng để kéo khách; hoặc liên tục hứa hẹn về việc đầu tư, cho thuê… để khách xuống tiền mua sản phẩm, hưởng hoa hồng cao. Tuy nhiên, trong số đó, có rất nhiều môi giới sau khi bán dự án xong thì “chạy mất dép”, không quan tâm đến việc chuyển nhượng, đầu tư của khách hàng.
Ảnh minh họa
Theo tìm hiểu, phí cho môi giới BĐS thường dao động ở mức 1-3%/ sản phẩm (tùy sản phẩm, dự án). Thế nhưng, một số sản phẩm muốn bán được hàng nhanh đã kê phí môi giới lên đến 7-10%. “Yêu sách” phí cao khiến môi giới BĐS bất chấp để bán được hàng. Và thực tế người chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là khách hàng.
Rất nhiều môi giới trên thị trường BĐS, việc bán hàng đơn thuần là chạy theo hoa hồng, không vướng bận trách nhiệm với khách mua sau khi bán xong dự án. Hệ lụy của phí cao là môi giới chỉ quan tâm đến việc ra được hàng nhanh để có tiền, còn bỏ rơi khách mua theo kiểu “khách muốn bán lại sản phẩm không biết gửi ai”.
Bộ Xây dựng “hiến kế” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, ngành bất động sản gặp một số khó khăn khiến nguồn cung khan hiếm, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm… Do đó, cần thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều 16/6 tại Hà Nội.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường bất động sản đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc. Trong năm 2019, lượng giao dịch giảm hơn 40%, nguồn cung giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm, lượng giao dịch giảm 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Sang đến năm 2020, thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt, dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung thị trường giảm do một số dự án bị tạm dừng, đình hoãn từ các năm trước, đến nay vẫn chưa hoàn tất việc rà soát các thủ tục pháp lý hoặc do chủ đầu tư thiếu vốn để đầu tư.
Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong quý đầu năm 2020 cũng thấp, chỉ đạt khoảng 14% – thấp nhất trong vòng 4 năm. Lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với cuối quý IV/2019.
Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp cho thấy, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng sụt mạnh. Trong quý I/2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4. Lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao tới 94,1 so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa lên tới 80%, chỉ còn khoảng 200 sàn hoạt động cầm chừng.
Vì sao vốn chứng khoán “dè chừng” với doanh nghiệp bất động sản?
Khảo sát cho thấy, số lượng tài khoản mở mới tại các công ty chứng khoán trong giai đoạn tháng 3, 4, 5/2020 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến này cho thấy dòng vốn đầu tư tiềm năng từ các nhà đầu tư trong nước rất lớn và luôn sẵn sàng chảy vào thị trường chứng khoán mỗi khi cơ hội xuất hiện.
Dòng tiền mới là một trong các yếu tố thúc đẩy thị trường hồi phục mạnh mẽ, vượt qua nỗi lo về việc nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp không thể phục hồi nhanh do chịu ảnh hưởng của đại dịch. Khi VN-Index vượt qua ngưỡng 900 điểm, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư càng giúp dòng tiền trên thị trường thêm dồi dào.
Bên cạnh sự tham gia của lớp nhà đầu tư mới, có một lượng tiền đáng kể đến từ cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp. Họ tích lũy cổ phiếu khi nhận thấy giá cổ phiếu giảm sâu do nhà đầu tư bán tháo trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19. Đây là dòng tiền dài hạn và sẽ không dễ dàng rút khỏi thị trường, bởi người mua nắm được tình hình kinh doanh và triển vọng trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phần lớn dòng tiền mới gia nhập thị trường của các nhà đầu tư cá nhân mang tính chất đầu cơ ngắn hạn. Do đó, dòng tiền mới này chưa hẳn sẽ rót vào thị trường bất động sản thông qua kênh đầu tư cổ phiếu. Ngoại trừ những mã cổ phiếu hay sử dụng “game” giá, nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu bất động sản thường là nhà đầu tư trung và dài hạn.
Làm thế nào để Vân Đồn trở thành mô hình kiểu mẫu về kinh tế ban đêm?
ại Tọa đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã có những chia sẻ về tiềm năng của khu kinh tế Vân Đồn.
Reatimes xin trích lại một phần chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức:
“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của một số nước láng giềng để học tập, áp dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dựa trên những lợi thế mà Việt Nam đang có.
Đó không chỉ là định hướng chung mà là xu hướng phát triển đúng đắn và cần được khai thác càng sớm càng tốt. Có thể hình dung, thời gian ban ngày chủ yếu dành cho lao động sản xuất, kinh doanh, còn ban đêm chủ yếu dành do tiêu thụ và vui chơi, giải trí.
Dù so với ban ngày, ban đêm có thể dễ xảy ra tiêu cực hơn, như đánh bạc, mại dâm, an ninh trật tự… Nhưng tôi không cho rằng phát triển kinh tế ban đêm là tiêu cực. Bởi những việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không nhất thiết là ban ngày hay ban đêm. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường quản lý, giám sát để phát huy mặt được, hạn chế mặt trái của mô hình kinh tế này. Chúng ta sẽ không để phát triển tự phát mà phải quy hoạch cụ thể, với phạm vi và cách thức quản lý nhất định để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu…”
Đề xuất đưa ưu đãi đầu tư nhà ở thương mại giá thấp vào Luật
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM về cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư với dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Theo HoREA, chính sách pháp luật về các dự án nhà ở thương mại còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Đơn cử như khoản (1.a) Điều 110, Luật Đất đai quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp, nhưng lại “trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”. Trong khi trên thực tế, phân khúc dự án nhà ở thương mại có rất nhiều cấp độ: Nhà ở thương mại cao cấp, hạng sang, siêu sang; Nhà ở thương mại trung-cao cấp; Nhà ở thương mại trung cấp; Nhà ở thương mại giá thấp lẽ ra cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Điều 16, Luật Đầu tư cũng chưa có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp và kể cả dự án nhà ở xã hội. Luật thuế cũng chưa có chính sách giảm thuế đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp (kể cả chưa có ưu đãi thuế đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê).
Trước những tồn tại trên HoREA kiến nghị một loạt các chính sách: Về giá bán, thống nhất mức giá trần không vượt quá 20 triệu đồng/m2. Riêng, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá trần có thể trên 20 triệu đồng/m2, nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2.
Hà linh (tổng hợp)