Trong tuần 1/6 – 5/6, NHNN đã bơm ròng 25.000 tỉ đồng vào thị trường mở thông qua tín phiếu đáo hạn. Sự dồi dào về thanh khoản tạo điều kiện cho cả lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tuần qua.
NHNN bơm ròng 25.000 tỉ đồng vào thị trường liên ngân hàng
Theo số liệu của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), tuần qua, có 25.000 tỉ đồng được bơm ra thị trường mở thông qua tín phiếu đáo hạn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện giao dịch mới nào.
Thanh khoản duy trì dồi dào khiến lãi suất tiếp tục giảm nhẹ trên liên ngân hàng, chốt tuần ở mức 0,43%/năm (giảm 0,06 điểm %) với kì hạn qua đêm và 0,6%/năm (giảm 0,15 điểm %).
“Hiện thanh khoản các ngân hàng thương mại ổn định, lãi suất nhiều khả năng vẫn đi ngang ở vùng thấp và có thể nhích nhẹ vào cuối tháng – thời điểm chốt báo cáo tài chính quí”, nhóm phân tích SSI Research nhận định.
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 29/5/2020 là 1,96% so với cuối năm 2019, cao hơn so với mức 1,42% tại cuối tháng 4.
“Như vậy, sau nửa đầu tháng 5 sụt giảm, giải ngân tín dụng đã tăng trưởng tích cực trong nửa cuối tháng 5 nhưng vẫn rất thấp so với mức tăng trưởng quanh từ 5,8% – 7,0% của cùng kì các năm trước”, SSI Research đánh giá.
Trong khi đó, huy động tiền gửi có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn trong quí II dù lãi suất đã điều chỉnh giảm đáng kể. Trong tuần, ngân hàng còn lại trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước giảm lãi suất tiền gửi 0,2 điểm%, đưa mức lãi suất huy động cả nhóm về ngang bằng nhau (6%/năm với kì hạn 12-13 tháng).
“Như dự đoán của chúng tôi, các ngân hàng thương mại khác cũng giảm tiếp 0,1-0,3 điểm % lãi suất các kì hạn. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 3,5% – 4,25%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 4,9% – 6,9%/năm với kì hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, từ 6% – 7,6%/năm với kì hạn 12- 13 tháng”, nhóm phân tích cho biết.
Nguồn cung ngoại tệ trong năm dự kiến kém thuận lợi, tạo áp lực lên tỷ giá
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND trong tuần trước đã giảm đồng loạt 30 đồng/USD trên cả tự do và ngân hàng. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 16 đồng/USD, về mức 23.245 VND/USD.
Theo SSI Research, hiện tại, cung cầu ngoại tệ trong nước khá ổn định và các diễn biến quốc tế thuận lợi. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế có thể thay đổi nhanh chóng do dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế và mối quan hệ đầy bất ổn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặt khác, mặc dù cán cân thương mại có thể được cải thiện khi các nước mở cửa trở lại nhưng nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam năm nay nhìn chung sẽ kém thuận lợi hơn so với năm trước khá nhiều và tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
Trên cơ cở đó, SSI Research dự báo trong ngắn hạn, VND khó tăng giá thêm, nhiều khả năng vẫn đi ngang ở vùng hiện tại.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng