Đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Bộ Tài chính được đánh giá là ‘phao cứu sinh’, tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn.
Ngân sách giảm thu 15.840 tỷ đồng
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, doanh nghiệp (DN) có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%. Tổng số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thỏa mãn điều kiện giảm thuế, Bộ Tài chính quy định cụ thể doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu không quá 3 tỷ đồng năm 2020, số lao động không quá 10 người; doanh nghiệp nhỏ có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, số lao động không quá 100 người.
Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, đề xuất giảm thuế này sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN này, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, Ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 15.840 tỷ đồng.
Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng theo đại diện Vụ Chính sách thuế, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế cho doanh nghiệp hiện tại sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do họ có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.
“Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VNASME), việc Chính phủ đưa ra một loạt các chính sách hỗ trợ, nhất là về thuế, phí có ý nghĩa rất lớn đối với việc vực dậy tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ bởi nhóm này có đặc điểm chung là dòng vốn mỏng, không tích lũy được nhiều nên khi gặp khó khăn dễ bị tác động. Thậm chí, có khi chỉ cần vài ba tháng có thể đẩy họ tới nguy cơ ngừng kinh doanh, phá sản.
“Chính sách hỗ trợ thuế đã được ban hành khá đồng bộ, thống nhất từ sản xuất kinh doanh, thậm chí tới mối quan hệ giữa lao động. Đây sẽ là “phao cứu sinh” đúng lúc tới doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn”, ông Tô Hoài Nam nhận định.
Đại diện VNASME cho rằng, thuế là lĩnh vực gắn chặt với đời sống của doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, để tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Hiện doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn về thuế, mà còn khó tiếp cận mặt bằng, tín dụng, tiếp cận với công nghệ, chuỗi thị trường… nhiều doanh nghiệp phải làm ăn cầm chừng, không có lãi. Bên cạnh việc giảm thuế, các doanh nghiệp nhỏ cũng cần giảm các chi phí tuân thủ. Đề xuất giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ giúp cho DN cân đối lại kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Tô Hoài Nam cho hay.
Bên cạnh đó, chính sách thuế mới này sẽ tạo động lực tích cực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, có ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Mỗi chính sách hỗ trợ sẽ là động lực thúc đẩy hộ kinh doanh “chuyển mình”, vượt qua những trở ngại ban đầu để “vươn mình” phát triển. Các nội dung tại Dự thảo Nghị quyết đã “chạm” đến những điều DN và hộ kinh doanh cần. Đây sẽ là “cú hích” quan trọng thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên DN để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, giảm thuế sẽ giúp DN lớn lên. Việc giảm thuế trực tiếp làm tăng khả năng tích tụ nguồn vốn trong DN nhằm sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, việc giảm gánh nặng thuế làm tăng cơ hội gia tăng lợi nhuận, kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào DN để sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn tiền trong dân, giúp tăng số DN thành lập mới, giảm số DN bị đào thải khỏi thị trường.
Đồng thời, việc giảm thuế cũng gián tiếp thúc đẩy các DN làm ăn chân chính, thực hiện đúng hơn các quy định pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hoạt động trốn thuế, lách thuế như hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp…
“Giảm 30% tương đương với gần 1/3 số thuế TNDN phải nộp – đây là một con số rất lớn, là động lực lớn cho hoạt động kinh doanh của DN cũng như giúp đỡ DN trong việc tích lũy vốn, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, khi triển khai, các cơ quan quản lý cần thận trọng bởi nguy cơ sẽ không ít DN “trục lợi” từ chính sách này bằng cách cố tình duy trì quy mô nhỏ hay siêu nhỏ, làm trái với tình hình thực tiễn của DN.
“Cần số hóa, công khai, minh bạch các thông tin về chính sách thuế trên các website để tránh việc lợi dụng chính sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, đồng thời, xử phạt nặng những DN cố tình khai gian để trục lợi chính sách, đảm bảo tính nghiêm minh của chính sách pháp luật”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo./.