Xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt.
Phải có tư duy sống xanh
Tại buổi tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại với chủ đề “Những yếu tố an cư thời hiện đại” vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa. Đô thị xanh không chỉ là nhiều cây xanh. Hiểu đầy đủ nó phải là tự cân bằng N2, giảm phát thải cacbon, khí nhà kính vào môi trường, kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là bảo đảm yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị.
Tôi cho rằng Chính phủ giờ rất quan tâm đến vấn đề này, ví dụ như Quyết định 950 của Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030 cũng là rất quan trọng. Trước đây, hành lang pháp lý, pháp luật hỗ trợ chủ đầu tư về tư duy phát triển đô thị bền vững là chưa có.
KTS Lê Anh Tuấn
Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến nhìn nhận, hiện nay, trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh vẫn có khói bụi, tiếng ồn, thiếu các không gian sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, thiếu công viên, vườn hoa, xây xanh, chỗ đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa, thiếu dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của mỗi dân cư. Nguyên nhân do nhiều chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, bất chấp những vấn đề trên ra sức xây dựng nhà để bán. Lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện. “Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh – thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Phải có một liên kết đô thị, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh” – ông Đỗ Viết Chiến nhận định.
Theo KTS Lê Anh Tuấn, đô thị bền vững và thông minh được quan tâm ở châu Âu từ rất lâu. Năm 1987 họ đã đưa ra định nghĩa về bền vững, đó là yếu tố bắt buộc phải nói đến, không chỉ ở nhà đầu tư mà khía cạnh lớn hơn là chính phủ, quốc gia. Bền vững là xây dựng không gian quần thể làm sao để hài hòa thiên nhiên, hướng đến tương lai mà không ảnh hưởng đến không gian xung quanh.
Bắt kịp xu hướng công nghệ
Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam, PGS.TS KTS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn. Đô thị hóa không phải là di cư vào TP, bành trướng TP mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội. Với xây dựng khu đô thị bền vững, cần đạt nhiều tiêu chí như giảm 20% năng lượng tiêu thụ, các năng lượng còn lại và có các chính sách để tái sử dụng năng lượng.
Phát triển đô thị bền vững không chỉ là đưa người đến ở mà chúng ta phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân trong đô thị đó. Vì thế, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0 – là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững. Từ những dự án, ban đầu chủ đầu tư phải tìm được nhà tư vấn phát triển dự án để tư vấn hoàn thiện các tiêu chí. Đồng thời, nhà tư vấn phải có năng lực tính toán, chia sẻ với nhà đầu tư về các tiêu chí làm sao có thể cân nhắc được tính xã hội đưa vào hiện thực và khi ứng dụng phải có sự chắt lọc theo từng dự án, từng khu vực.
Trên góc độ thị trường, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đặt vấn đề, trong xu hướng sống mới của cư dân đô thị thời hiện đại và công nghệ 4.0, nhu cầu về nhà ở của người dân có thay đổi. Môi trường sống hiện đại phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, nâng cao giá trị cuộc sống. Cùng với đó, không gian sống chất lượng còn phải bắt kịp với xu hướng công nghệ như sự thông minh, khả năng dễ sử dụng, tiện ích tối ưu trong mọi ứng dụng. “Do đó, các chủ đầu tư phải đổi mới cách làm để cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, lại phù hợp với thu nhập của người dân, khi đó DN mới thành công” – ông Đính cho hay.