Chủ tịch HĐND TP HCM đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa khiến hàng loạt dự án giao thông trọng điểm chờ mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ, đó là sự phối hợp rời rạc giữa các đơn vị liên quan
“Mong qua buổi giám sát của HĐND TP HCM, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án xây dựng cầu Long Kiểng được tháo gỡ bằng những giải pháp cụ thể và hiệu quả” – ông Bùi Văn Bình (ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM) chia sẻ với phóng viên hôm 21-5 – thời điểm HĐND TP HCM đi thực địa kiểm tra, giám sát dự án này.
Sợ chậm nên không dám đăng ký vốn
Theo ông Bình, xây dựng từ những năm 1975, cầu Long Kiểng cũ hiện đã xuống cấp trầm trọng và mới được sửa chữa, gia cố tạm sau sự cố sập cách đây 2 năm. Nhưng do là tuyến ngắn nhất nối giữa 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), xung quanh là khu dân cư, trường học, các điểm buôn bán… nên mỗi ngày, cây cầu này vẫn phải “gánh” hàng ngàn lượt phương tiện chạy qua. Không chỉ thấp thỏm vì cầu đã xuống cấp trầm trọng, sự ngao ngán cũng hiển hiện rõ trên khuôn mặt người dân nơi đây bởi tình trạng kẹt xe liên tục. Chưa kể cầu có tĩnh không thấp, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông thủy tại khu vực.
“Cầu hẹp, xe đông, nên chỉ cần một ôtô hay xe ba gác chạy qua là các phương tiện phía sau bị ùn lại. Nhiều thời điểm dòng xe chen cứng trên cầu, càng nguy hiểm hơn khi tải trọng lớn có thể gây sập cầu bất cứ lúc nào” – ông Bình nói thêm.
Trong khi cây cầu cũ đang oằn mình thì dự án xây cầu mới kế bên hiện vẫn chưa biết khi nào xong. Cầu Long Kiểng mới được phê duyệt đầu tư xây dựng cách đây 19 năm, với chiều dài 318 m, rộng 15 m, tổng mức đầu tư hơn 557 tỉ đồng từ ngân sách TP. Song đến nay, công trình vẫn dang dở với vài trụ cầu đã xây dựng, đứng chơ vơ…
Tại buổi làm việc với HĐND TP HCM hôm 21-5, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết tại dự án có tổng cộng 138 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường 25 hộ (giai đoạn 1), còn giai đoạn 2 với 113 hộ (trong đó 38 hộ giải tỏa hoàn toàn) vẫn đang được địa phương triển khai. Nhưng việc này lại không dễ, bởi theo ông Tùng, địa phương hiện không có sẵn quỹ nền tái định cư cho các hộ dân, vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các bước tiếp theo như trình phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phê duyệt phương án chính sách bồi thường, tái định cư… Trong khi phía chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án giao thông TP cho biết do mặt bằng bàn giao chậm nên tiến độ thi công cũng chậm theo, đồng thời đơn vị cũng không dám đăng ký vốn bởi không thể giải ngân.
Ba năm không xong một mức giá
Một dự án khác cũng tương tự là dự án cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân). Cây cầu này xây dựng nhằm gỡ “nút thắt cổ chai” trên đường Lê Trọng Tấn, với chiều dài cầu 560 m, tổng vốn đầu tư hơn 514 tỉ đồng. Khi phê duyệt, theo kế hoạch, dự án này thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2017, nhưng mãi đến năm 2017 mới chính thức khởi công và ước tính hoàn thành trong 20 tháng. Vậy mà sau 3 năm khởi công, dự án đang “trùm mền” bởi gặp trở ngại liên quan đến đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tại phía quận Tân Phú hiện có 2 doanh nghiệp (DN) thuộc KCN Tân Bình (gồm Công ty TNHH Hwata Vina và Công ty CP Bánh Givral) bị ảnh hưởng một phần với tổng diện tích hơn 880 m2. Nhưng vấn đề đáng nói là cả 2 đơn vị này dù sẵn sàng bàn giao đất, song kéo dài nhiều năm, các đơn vị liên quan vẫn không đưa ra được mức giá đền bù hài hòa. Lý do được các đơn vị nêu ra là năm 1997, 2 công ty nêu trên thuê đất trong KCN Tân Bình với hình thức thuê của nhà nước trong 50 năm, giá thuê rất thấp. Nay giá đất tăng mạnh nên không biết áp mức giá nào để đền bù.
Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết liên quan vấn đề khảo sát đo đạc và các công trình đầu tư trên đất, địa phương đã làm xong. Nhưng do vướng mắc ở khâu bồi thường nên phải ngưng, không triển khai được, dù các thủ tục vẫn tiến hành. “Chính quyền địa phương cũng đã liên hệ 2 DN này làm công tác vận động. Đối với Công ty CP Bánh Givral, đơn vị ủng hộ, nếu lập phương án xong thì có thể bàn giao đất trước. Còn Công ty TNHH Hwata Vina là DN nước ngoài, họ từ chối và yêu cầu khi nào có giá đất áp vào mới bàn giao” – ông Mẫn nói.
Tại buổi giám sát hôm 22-5, các đại biểu HĐND TP đánh giá cao thiện chí sẵn sàng bàn giao đất của các DN nêu trên bởi thực tế, hàng chục dự án khác đang tắc nghẽn do người dân không chịu di dời. Còn tại dự án này, chỉ cần thực sự rốt ráo bắt tay vào làm, đưa ra mức giá phù hợp là xong nhưng nhiều năm vẫn tắc.
Theo kế hoạch, dự án cầu Bưng khi hoàn thành không chỉ giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực mà tạo sự đồng bộ với dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên đang thực hiện.
Phải phối hợp chặt chẽ và linh động
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng 2 dự án trên, dù có những khó khăn nhất định nhưng thực tế sự phối hợp giữa các bên chưa tốt, thiếu chủ động và đùn đẩy nhau, dẫn đến một số vấn đề dù hoàn toàn có thể tự giải quyết nhưng vẫn không xong.
Đối với dự án cầu Long Kiểng, chủ tịch HĐND TP đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cần xác định là đầu mối, chủ động phối hợp với địa phương cùng các sở – ngành liên quan trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là sâu sát hơn việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó cũng cần rà soát lại các dự án để xác định những khó khăn cụ thể là gì, từ đó vạch ra vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết. Chủ tịch HĐND TP HCM cũng đề nghị chủ đầu tư tăng cường phối hợp, gấp rút xem lại việc điều phối nguồn vốn, bởi nếu thuận lợi thì quý IV năm nay, huyện Nhà Bè có thể bàn giao mặt bằng, khi đó nguồn vốn phải sẵn sàng để chi trả bồi thường.
Riêng huyện Nhà Bè, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng địa phương tương lai gần sẽ chuyển đổi thành một quận của TP, vì vậy nhiều vấn đề phải đẩy nhanh, đặc biệt là các dự án giao thông. Với dự án cầu Long Kiểng đã gần 20 năm, địa phương cần chủ động đeo bám và phối hợp chặt với các bên để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân cũng như có kế hoạch tuyên truyền, vận động hỗ trợ bàn giao.
Đối với dự án cầu Bưng, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát lại các quy định, văn bản của UBND TP và xem xét lợi thế từ việc TP có cơ chế đặc thù, tham mưu cho chính quyền TP hướng giải quyết trước kỳ họp HĐND TP trong năm nay. “Đây là dự án rất quan trọng bởi không chỉ đơn thuần là xây dựng một cây cầu mà còn là sự kết nối, giải quyết rất lớn ùn tắc giao thông ở đường Lê Trọng Tấn. Do đó, giữa các bên nếu chủ động ngồi lại cùng nhau để giải quyết những vướng mắc thì tiến độ thực hiện đã nhanh hơn” – Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Kỳ tới: Nút thắt cần mở ở kênh Hàng Bàng
Sở GTVT TP HCM “điểm mặt” 6 dự án
Liên quan tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa “điểm mặt” 6 dự án với tiến độ thực hiện rất chậm. Đó là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) – giải kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Kế đến là dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và Bình Thạnh); dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2); dự án xây cầu tạm An Phú Đông (quận 12); dự án xây dựng hầm chui nút giao An Sương (quận 12). Cuối cùng là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9).