Việc xây dựng khu phức hợp ở Mỹ Đình, theo chuyên gia, là rất tốt, nhưng nên làm dần dần, cần xây dựng quy hoạch ổn định, lâu dài.
Tại buổi làm việc với quận ủy Nam Từ Liêm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đồng ý về chủ trương, giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét cho phép quận đầu tư cải tạo, hoàn thiện quảng trường Mỹ Đình thành quảng trường văn hóa – thể thao – thanh niên của thành phố tại ô đất 5B2 và không gian xung quanh; triển khai tuyến phố thương mại tại tuyến đường Đồng Bông đến Trung tâm văn hóa Phú Đô gắn với quảng bá làng nghề bún Phú Đô, cốm Mễ Trì.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo nghiên cứu thêm phương án xây dựng trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn dưới quảng trường sân vận động Mỹ Đình nhằm phát huy tối đa lợi thế, thế mạnh và tạo thành hệ thống đồng bộ gồm trung tâm thể thao – văn hóa, quảng trường, khách sạn và khu mua sắm xung quanh khu vực Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Trao đổi với Đất Việt về chỉ đạo trên của Bí thư Thành ủy Hà Nội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, ý tưởng để xây dựng một khu phức hợp quanh Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình rất hấp dẫn và hợp lý khi khu vực phía Tây Hà Nội đang phát triển mạnh, trở thành một trong những điểm nóng của thị trường bất động sản Hà Nội với nhiều dự án bất động sản từ trung cấp đến cao cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư phát triển. Hơn nữa, khai thác không gian ngầm cũng là xu hướng các nước đều tranh thủ sử dụng.
Ông nhắc lại cảnh đìu hiu của Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình, trong đó có sân vận động Mỹ Đình trong những năm qua và khẳng định đó là sự lãng phí rất lớn. Bởi vậy, nếu ý tưởng nêu trên thành hiện thực thì việc sử dụng khu vực này, đặc biệt là sân vận động Mỹ Đình sẽ trở nên đa dạng, không còn cảnh quanh năm đa phần vắng như chùa Bà Đanh, trừ lúc tổ chức một vài trận bóng đá.
“Làm được như vậy, sân vận động Mỹ Đình sẽ không nằm “chết” một chỗ mà trở thành địa điểm tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí. Một diện tích rộng lớn như vậy, khi xây dựng khu phức hợp, nơi này sẽ trở thành điểm hút đầu tư trong tương lai.
Thế nhưng, chúng ta xác định mình là “con nhà nghèo” nên phải giật gấu vá vai, việc xây dựng một khu vực như dự định của Hà Nội chỉ có thể làm dần dần, trong đó xác định cái gì làm trước, cái gì làm sau, không thể ù xọe, tránh trường hợp như nhiều dự án thời gian qua chưa làm xong chỗ này, chỗ kia đã hỏng.
Nhiều chuyên gia đánh giá khu vực phía Tây Hà Nội đang trở thành trung tâm mới của Thủ đô, do vậy cần có một quy hoạch đồng bộ, hiện đại, mang tính tổng thể, bền vững và lâu dài và việc này cần thực hiện ngay từ bây giờ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu vấn đề.
Một điểm khác được vị chuyên gia lưu ý là vấn đề vốn. Xác định việc xây dựng một khu phức hợp là rất tốn kém, bao gồm cả đầu tư lại sân vận động Mỹ Đình nên ông cho rằng Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng vốn ngân sách mà kêu gọi xã hội hóa.
“Nhà nước chỉ nên tập trung vào phần hạ tầng kỹ thuật, còn việc xây dựng trung tâm thương mại và các công trình khác thì kêu gọi nhà đầu tư, quan trọng là, như đã nói, phải có quy hoạch ổn định, lâu dài và phải biết cái chốt của nó ở chỗ nào để khi đầu tư vào đó, doanh nghiệp thấy được hiệu quả”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần tính toán tác động của các công trình này tới đô thị, giao thông, đồng thời, để chuẩn bị cho hình thành của khu phức hợp, Hà Nội cần quy hoạch đường sá cho thông thoáng, tạo cảnh quan, môi trường để có thể phát triển lâu dài, ít nhất là từ 50-70 năm.