Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất; Giám sát chặt tín dụng chảy vào nhóm “ông lớn” bất động sản… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Trước tình trạng người nước ngoài đang thâu tóm các vị trí đất “đắc địa”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khuyến nghị, đây là lúc chúng ta cần tỉnh táo.
Người nước ngoài lách luật mua đất đắc địa: Thu hồi cách nào?
Trong phần trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết về tình trạng những cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng tại nhiều vị trí.
Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng, hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn – khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, họ chỉ được mua nhà ở.
“Nếu như có người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam, cần xem xét lại trình tự thủ tục hành chính này và xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Sau đó xử lý theo vụ việc hành chính, thu hồi lại Giấy chứng nhận (nếu đã được cấp)”, Luật sư Trương Anh Tuấn cho biết.
Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất
Trước tình trạng người nước ngoài đang thâu tóm các vị trí đất “đắc địa”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khuyến nghị, đây là lúc chúng ta cần tỉnh táo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, tình trạng này dẫn đến những rủi ro về kinh tế như Việt Nam không thu được thuế khi các cá nhân Trung Quốc đứng ra kinh doanh nhưng họ sử dụng thanh toán điện tử qua các ngân hàng Trung Quốc. Nếu một đại gia Trung Quốc nắm giữ nhiều cơ sở kinh doanh của một ngành kinh tế có thể tạo độc quyền trong ngành đó, tạo bất lợi cho thị trường Việt Nam.
Tình trạng này cũng dẫn đến rủi ro ở mức cao hơn về mặt xã hội như gây mất trật tự xã hội khi đa số cư dân tại một địa phương nào đó là người Trung Quốc, sử dụng tiếng Trung Quốc, cửa hàng kiểu Trung Quốc… Cao hơn và đáng ngại hơn là rủi ro về quốc phòng, an ninh khi nhiều vị trí trọng yếu về quân sự ven biển, trên núi, trong rừng lại được “ngụy trang” bằng các cơ sở kinh doanh.
Giám sát chặt tín dụng chảy vào nhóm “ông lớn” bất động sản
Trả lời kiến nghị của cử tri, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro.
Đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân.
Hình minh hoạ.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; tín dụng tiêu dùng liên quan đến BĐS, nhất là đối với nhóm khách hàng cá nhân có dư nợ lớn.
Giao cho doanh nghiệp hàng nghìn m2 đất làm dự án BT bất chấp chỉ đạo dừng
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2019 của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây đã chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý đất đai ở nhiều địa phương.
Cụ thể theo cơ quan kiểm toán, có tình trạng giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Tồn tại này vừa qua xảy ra tại tỉnh Hưng Yên, cơ quan kiểm toán cho biết địa phương này đã giao đất cho Công ty CP Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc để thực hiện dự án khu nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng – Phố Nối không đúng đối tượng là chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra còn giao 7.084 m2 đất cho Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Hưng Hải để thực hiện dự án BT sau khi đã có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH ngày 02/02/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Công khai hàng loạt vi phạm tại nhiều dự án nhà ở xã hội của Hà Nội
Cụ thể theo Kiểm toán Nhà nước, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội được chỉ ra rằng chưa phân bổ chính xác do chưa cân đối dòng huy động từ khách hàng và vốn chủ sở hữu làm tăng lãi vay được vốn hóa vào dự án.
Cụ thể là Dự án khu nhà ở xã hội tại ô đất B8.NOXH phường Phúc Đồng, quận Long Biên với số tiền 9,94 tỷ đồng, Dự án khu nhà ở Gia Quất 4,14 tỷ đồng, Dự án NOXH 5B2 Đông Hội, Đông Anh với 6,65 tỷ đồng.
Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng một số dự án lập dự toán theo phương án tính giá bán còn sai khối lượng, sai đơn giá như Dự án khu nhà ở Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên 13,1 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu NOXH 5B2 tại lô đất ký hiệu 5.B2, 5.B4, 5.B5 thuộc khu tái định cư Đông Hội, huyện Đông Anh 16,2 tỷ đồng; Dự án CT2A Thạch Bàn 1,7 tỷ đồng…
“Tiền mặt là vua” sau Covid-19, nhà đầu tư mới e dè hơn khi đổ vốn vào BĐS?
Trong một báo cáo vừa công bố, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Theo JLL, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm trong quý 1/2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.
Qua quan sát của JLL về lịch sử giao dịch, phần lớn các thương vụ thành công đến từ những nhà đầu tư đã rất am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường, với mục đích tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt, hoặc mong muốn mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực.
Trong khi đó, nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường sẽ có một chiến lược bảo thủ hơn.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)