Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản bỗng ồ ạt tuyển dụng nhân sự quy mô lớn?; TP.HCM: Nhà ở xã hội bị hét giá chênh khủng chưa từng có… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản bỗng ồ ạt tuyển dụng nhân sự quy mô lớn?
Gần đây, thị trường ghi nhận nhiều thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp địa ốc lớn. Trong đó, Tập đoàn Nam Group mới đây công bố tuyển dụng 500 nhân sự cho công ty thành viên là CTCP Đầu tư – Tư vấn Nam Land, bao gồm các vị trí giám đốc sàn, trưởng phòng kinh doanh và nhân viên kinh doanh…
Ảnh minh họa
Tập đoàn Novaland vừa đưa ra thông báo chiêu mộ tới 1.000 nhân viên môi giới bất động sản, bắt đầu từ tháng 5/2020. Đại diện tập đoàn này cho biết, việc tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới vì doanh nghiệp đang triển khai mở bán các dự án tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Với lượng sản phẩm lớn, nhu cầu nhân viên môi giới cần rất nhiều.
Một doanh nghiệp cũng thông báo tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới là Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, khi thông báo tuyển khoảng 500 nhân viên (gấp 5 lần số nhân viên môi giới mà Công ty đang có), lý do vì doanh nghiệp này sẽ là đơn vị bán hàng F1 tại 1 dự án của FLC tại tỉnh Bình Phước và một dự án 92 ha tại tỉnh Đồng Nai.
Hậu Covid-19, các “ông lớn” bất động sản đồng loạt trở lại “đường đua”
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các kế hoạch mở bán dự án của doanh nghiệp bất động sản vào quý I và đầu quý II đều phải tạm ngừng. Đến thời điểm đầu tháng 5, dịch bệnh được kiểm soát tốt, lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, mặc dù thị trường vẫn còn rất khó khăn, nhiều sàn vẫn đóng cửa, lượng giao dịch trên thị trường chưa thể hồi phục về mốc trước dịch nhưng nhiều “ông lớn” đã quay trở lại với các kế hoạch hồi phục kinh doanh, kích cầu giao dịch mua bán cũng như thực hiện nhiều chiến lược mới.
Vinhomes đã chính thức mở bán lần đầu tiên tòa tháp căn hộ S1.08 tại “Tọa độ trung tâm, cận biển kề hồ” của “thành phố biển hồ” Vinhomes Ocean Park.
Một báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, một số tín hiệu tích cực với sự quay trở lại thị trường của cả doanh nghiệp và người mua. Cụ thể, lượng tin đăng sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội nhưng sau đó tăng mạnh tới 73% khi yêu cầu giãn cách được nới lỏng. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng cũng không suy giảm trong cả tháng 3 và tháng 4 cho thấy dù nguồn cung hạn chế và giá bán chưa giảm sâu, người mua vẫn sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Thực tế cho thấy mặc dù bị tác động mạnh từ dịch Covid-19 song những doanh nghiệp nhạy bén với thị trường vẫn thực hiện tái cấu trúc sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng để thích ứng với dịch, thậm chí vẫn tung sản phẩm mới ra thị trường. Nhờ đó, ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng những doanh nghiệp này đã kịp bắt nhịp trở lại, sẵn sàng tăng tốc trong giai đoạn tới.
TP.HCM: Nhà ở xã hội bị hét giá chênh khủng chưa từng có
Theo tìm hiểu của Reatimes, khu đất số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM, diện tích gần 2ha, có nguồn gốc là đất quốc phòng. Ngày 16/01/2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 179/QĐ-UBND chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang đất nhà ở và giao cho Công ty Cổ phần Đức Mạnh sử dụng, để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho hay, theo Quyết định chấp thuận đầu tư, dự án nhằm góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, đủ điều kiện theo quy định và cho các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại TP.HCM.
Theo đó, chủ đầu tư sử dụng vốn tự có, vốn vay, vốn huy động từ tiền ứng trước của khách hàng để đầu tư xây dựng khu dân cư theo quy hoạch được duyệt để bán, cho thuê nhà ở xã hội cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về nhà ở phù hợp quy định của pháp luật. Dự án có tầng cao xây dựng tối đa 25 tầng, hệ số sử dụng đất 7,0 lần (thương mại dịch vụ 0,5 lần, căn hộ ở 6,5 lần).
Hàng loạt cổ phiếu BĐS vượt mức giá trước khi bị “cú sốc” Covid-19 tác động
Kể từ thời điểm trước và sau Tết âm lịch 2020 (22/1) đến nay, thị trường chứng khoán VIệt Nam đã trải qua biến động rất mạnh. Ngay sau Tết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh từ mức 991,46 điểm xuống còn 662,26 điểm (30/3), tương ứng mức giảm 329 điểm (-33%). Tuy nhiên, trước việc Việt Nam khống chế dịch bệnh tốt đã giúp dòng tiền ồ ạt quay trở lại bắt đáy. Thị trường chứng khoán từ thời điểm đầu tháng 4 đến nay đã có sự hồi phục rất tốt, chỉ số chính VN-Index cũng tăng trở lại 25% từ mức đáy kể trên và vượt qua mốc quan trọng 800 điểm.
Rất nhiều cổ phiếu giảm sâu do ảnh hưởng của thị trường chung trước cú sốc mang tên “Covid-19”, nhưng sau đà hồi phục thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một số cổ phiếu thậm chí còn vượt qua cả mức giá thời điểm trước Tết âm lịch (trước khi dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam).
Riêng trong nhóm cổ phiếu bất động sản, các cái tên đã vượt qua cả mức giá trước thời điểm Tết âm lịch sau quãng thời gian giảm sốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh là ĐT&PT Dầu khí Cửu Long (CCL), Vinaconex – ITC (VCR), KCN Long Hậu (LHG), Sonadezi Châu Đức (SZC), PT Đô thị và KCN Cao su VN (VRG), PT KCN Tín Nghĩa (TIP), KCN Nam Tân Uyên (NTC), SUDICO (SJS) hay Năm Bảy Bảy (NBB)…
Vỡ mộng làm chủ, đau đầu tìm giỏ bỏ tiền
Khi lệnh giãn cách được nới lỏng, chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một nhà hàng trên phố cổ, phàn nàn về tình trạng kinh doanh ế ẩm. “Từ ngày mở cửa đến nay, nhà hàng vắng vẻ, có ngày không bán được gì. Nếu trước 4 khách hóa đơn khoảng 1-1,2 triệu đồng thì giờ đây chỉ còn 40-50%. Họ chọn những món rẻ hơn, ăn ít hơn”, chị nói. Chị Tuyết cho hay, trước Tết, khách giảm do Nghị định 100 tăng mức xử phạt về quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Sau Tết, khách giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch.
Theo chị, kinh doanh nhà hàng vẫn được mọi người cho rằng hốt bạc. Nhưng đây cũng là một trong những ngành nghề rủi ro về tài chính cao khiến tiền bạc của bạn “đội nón ra đi” nhanh nhất nếu không có gì đặc sắc. Bên cạnh đó, các nhà hàng chịu ảnh hưởng mạnh từ những tác động bên ngoài.
Lựa chọn an toàn hơn chị Tuyết, nhiều nhà đầu tư kinh doanh theo mô hình nhượng quyền chuỗi cửa hàng đồ uống. Anh Nguyễn Quang Hải (Hà Nội) bỏ hơn 500 triệu đồng đầu tư quán trà sữa theo hình thức nhượng nguyền với hy vọng “kinh doanh đồ uống trên ‘đất vàng’, sớm muộn cũng giàu”.
Tuy nhiên, trào lưu này nhanh chóng hết thời. Trung bình mỗi ngày quán anh Hải chỉ bán được khoảng 50 cốc, lãi không đủ nuôi quán. Trong khi đó, chi phí về nhượng quyền vẫn phải trả, chưa kể thực đơn đồ uống nguyên liệu đều phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nhận thấy không thể tiếp tục nên anh Hải đành đăng tin thanh lý lỗ vốn cửa hàng, tìm hướng kinh doanh khác.
Hà Linh (tổng hợp)